Nậm Vì vượt khó

08:22 - Chủ Nhật, 20/08/2023 Lượt xem: 6623 In bài viết

ĐBP - Cách quốc lộ 4H chừng 10km, Nậm Vì là xã khó khăn của huyện nghèo Mường Nhé. Thế nhưng, những năm trở lại đây, bằng sự tiếp sức của các chương trình, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân nơi đây đã và đang nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo và tìm hướng làm giàu ngay tại quê hương dù quá trình đó còn không ít gian nan...

Bí thư Ðảng ủy xã Nậm Vì Trần Ngọc Kiên (bên trái) thăm, động viên người dân trong xã phát triển cây quế.

Chúng tôi đến Nậm Vì trung tuần tháng 8 - thời gian cao điểm của mùa mưa Tây Bắc. Trên con đường bê tông nối từ quốc lộ 4H vào trung tâm xã có không ít điểm sụt sạt, có điểm sạt khối lượng lớn nhưng đều nhanh chóng được san gạt để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân. Hai bên đường là những nương sắn, nương ngô và cả những diện tích trồng cỏ voi cho chăn nuôi gia súc xanh mát mắt. Nói về tình hình phát triển kinh tế xã hội của xã, Chủ tịch UBND xã Vũ Hoài Nam chia sẻ: Toàn xã có 7 bản với 720 hộ, 4.336 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Thái, Kinh, Mông cùng sinh sống. Ðời sống người dân còn nhiều khó khăn, khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 61%. Xã mới đạt 5/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Dù còn nhiều khó khăn nhưng đa phần người dân Nậm Vì đều chịu thương, chịu khó, cần cù lao động sản xuất. Người dân tận dụng diện tích đất trống, không canh tác ngô, sắn để trồng loại cây thức ăn cho gia súc. Khi thu hoạch về lại thái bằng máy cho gia súc ăn tại nhà chứ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào chăn thả tự nhiên như trước. Bởi thế mà đàn gia súc của xã ngày càng phát triển. Ðến nay, tổng đàn gia súc của xã là hơn 2.300 con; trong đó, trâu 1.115 con, bò 263 con… Ngoài ra, người dân trên địa bàn còn tiếp tục duy trì canh tác trên 102ha lúa nước, 300ha lúa nương, ngô, sắn và cây hoa màu khác… Nuôi trồng thủy sản cũng là tín hiệu tích cực với một địa phương vùng cao như Nậm Vì khi tổng diện tích ao nuôi là 20,88ha. Trong khi đó, người dân trên địa bàn vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi, nhằm đảm bảo đủ nguồn thực phẩm cung cấp cho gia đình và cộng đồng…

Người dân Nậm Vì cũng ngày càng đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cây trồng trên nương sang cây công nghiệp, cây lấy gỗ dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn, như: Quế, dổi… Nhiều hộ dân tự bỏ vốn, bỏ công đầu tư nhiều héc ta cây trồng mới.

Bí thư Ðảng ủy xã Trần Ngọc Kiên phấn khởi dẫn chúng tôi thăm diện tích cây dổi mới trồng tại bản Huổi Lúm. Vừa dẫn đường, Bí thư Ðảng ủy Trần Ngọc Kiên vừa chia sẻ: “Xã đang triển khai dự án trồng cây quế trên địa bàn các bản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Toàn xã có 19 hộ tham gia với diện tích trồng được khoảng trên 32ha. Ngoài chương trình trên, nhiều hộ còn tự mua thêm cây giống về trồng để mở rộng diện tích với mong muốn thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Như ông Sùng Vảng Say, bản Huổi Chạ 2 được hỗ trợ trồng 1,7ha nhưng gia đình tự bỏ tiền mua thêm 2.000 cây giống để trồng. Còn gia đình ông Sùng A Hả mà chúng ta sắp tới thăm đây dù thiếu nhân lực để trồng quế nhưng cũng đã tự đầu tư 3ha trồng cây dổi…”.

Ông Sùng A Hả - chủ nhân của 3ha dổi đang phát triển xanh tốt hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Vì. Ðúng với vai trò là “thủ lĩnh” nông dân xã, ông Hả luôn là người tiên phong trong lao động sản xuất. Trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi cũng vậy, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ông tự bỏ vốn, bỏ công đầu tư phát triển cây trồng theo định hướng của huyện, xã. Ông Sùng A Hả chia sẻ: “Gia đình tôi mạnh dạn trồng 3ha dổi để lấy gỗ. Bởi xã đang thiếu gỗ sử dụng. Trong khi gỗ dổi đang có giá khoảng 15 triệu đồng/m3…”.

Trong lần trở lại này, chúng tôi cảm nhận xã nghèo Nậm Vì đang dần “thay da đổi thịt”, cơ sở hạ tầng được đầu tư, cùng với đó là sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân trong phát triển kinh tế để thoát khỏi đói nghèo. Dẫu vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã thì điều kiện tự nhiên, địa hình Nậm Vì có đồi núi dốc và hiểm trở, lại bị chia cắt bởi nhiều khe suối; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn thiếu thốn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều phức tạp khó lường. Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho người dân nơi đây vẫn còn hạn chế, hạ tầng cơ sở gặp nhiều khó khăn… Bởi vậy, trong thời gian tới, xã Nậm Vì vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, tiếp sức cho người dân nơi đây có động lực vươn lên.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top