ĐBP - Cùng với việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng địa phương đạt chuẩn OCOP, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh. Việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến các sản phẩm đặc sản đã góp phần phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, lan tỏa sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Thương hiệu “Cà phê Hồng Kỳ” được đông đảo người tiêu dùng biết đến trong thời gian qua là nhờ chất lượng cũng như khâu quảng bá tốt sản phẩm của công ty. Cách đây 3 năm, cà phê bột Hồng Kỳ HK13 của Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao; nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng cà phê Hồng Kỳ.
Dẫn chúng tôi tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong khuôn viên Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Nguyễn Quốc Tế, Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế chia sẻ: Mô hình quán cà phê tại đây cũng là một hình thức để công ty giới thiệu, quảng bá các sản phẩm cà phê đến với người tiêu dùng. Ngoài giới thiệu thông qua các hình ảnh, sản phẩm trưng bày, mọi người có thể thưởng thức những ly cà phê thơm ngon ngay tại đây. Công ty xác định khi sản phẩm được gắn sao OCOP càng phải quan tâm hơn việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Vậy nên, ngoài giới thiệu quảng bá sản phẩm qua các trang mạng xã hội, chúng tôi còn mở rộng chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh; đồng thời trực tiếp đưa sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu ở các gian hàng, hội chợ trong toàn quốc nhằm đưa sản phẩm OCOP của Điện Biên lan tỏa rộng khắp, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Thúc đẩy các kênh xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ OCOP được huyện Mường Ảng coi trọng, vì đó là tiền đề nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm hiện có và phát triển các sản phẩm mới. Hiện nay, huyện Mường Ảng có 7 sản phẩm OCOP; trong đó 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao (Cà phê bột Hà Chung - bột pha phin; Trà San tuyết P.H14); 5 sản phẩm xếp hạng 3 sao (Cà phê túi nhúng Smile single bar coffee; Cà phê đen phin giấy Mom black coffee drip bag; Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Điện Biên; Bưởi da xanh Mường Ảng; Thịt trâu gác bếp Chung Phước). Đây là kết quả nhờ huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền tới chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, các chủ thể tham gia và hỗ trợ các chủ thể phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Ông Phan Hanh Thông, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Nhằm hỗ trợ các chủ thể phát triển, mở rộng thị trường sản phẩm OCOP, huyện đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm được tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Hoạt động hỗ trợ tập trung vào các nội dung như: Tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, lắp đặt pano, biển hiệu quảng bá sản phẩm. Hỗ trợ sản phẩm OCOP và chủ thể sau chứng nhận mở rộng quy mô; phát triển thị trường; mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất; xúc tiến thương mại...
Đến tháng 7 năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao. Tuy nhiên, có 26 sản phẩm hết hạn chứng nhận sản phẩm OCOP nên các chủ thể đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận lại sản phẩm OCOP. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc sản của Điện Biên đến với người tiêu dùng.
Ông Trịnh Huy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Nhằm lan tỏa các sản phẩm OCOP của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm đối tác cho các chủ thể OCOP bằng cách kết nối trực tiếp với các nhà phân phối có nhu cầu về sản phẩm của tỉnh để hai bên trao đổi thông tin, tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đăng ký cho các doanh nghiệp OCOP của tỉnh tham gia gian hàng Việt trực tuyến và xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Triển khai phiên chợ thương mại biên giới tại huyện Nậm Pồ với sự tham gia của 19 doanh nghiệp, thương nhân tỉnh Điện Biên (trong đó có 4 chủ thể OCOP) và các huyện của tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào). Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các hội chợ thương mại tại Lào; hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại trong nước; tham gia các diễn đàn xúc tiến xuất khẩu và các hội nghị trực tuyến về công tác xúc tiến thương mại khác. Chúng tôi cũng quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại điện tử... Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, hiện nay, Sở Công Thương đang xây dựng “Điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền”; đây là đầu mối gặp gỡ trao đổi giao thương với người tiêu dùng trong nước và quốc tế về sản phẩm OCOP.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ thể OCOP của tỉnh và các địa phương trong khu vực có cơ hội gặp gỡ với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các chủ thể OCOP cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thương mại để trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Có như vậy mới tạo ra cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh đến với đông đảo người tiêu dùng.