Mường Nhé tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế

08:39 - Chủ Nhật, 27/08/2023 Lượt xem: 6590 In bài viết

ĐBP - Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Mường Nhé đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh tế trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ V với nhiều giải pháp phù hợp, khả thi với tình hình thực tiễn địa phương, quyết liệt trong hành động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn... Nhờ đó, qua nửa nhiệm kỳ, nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để Mường Nhé phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Nông dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé mở rộng khai hoang ruộng nước để đảm bảo lương thực, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: Diệp Chi

Giai đoạn 2020 - 2023, trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, một số chương trình, dự án chậm triển khai; đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thiếu ổn định. Sang năm 2023, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động dần trở lại, tạo tiền đề quan trọng để hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Huyện ủy Mường Nhé tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của Nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, khai thác mạnh tiềm năng lợi thế của huyện. Ðồng thời, tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả tiêu dùng cao. Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của huyện tăng trưởng khá, tăng so đầu nhiệm kỳ và mục tiêu hàng năm như: Sản lượng lương thực, đàn gia súc, gia cầm, thu ngân sách, tạo việc làm mới... Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đến hết năm 2023 ước đạt 1.642 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đến hết năm 2023 ước là 32,429 triệu đồng/người/năm. Trong giai đoạn 2021 - 2023 giải quyết việc làm mới cho 2.502 lao động, bình quân 834 lao động/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng xác định, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản. Tổng diện tích thu hoạch cây lượng thực có hạt ước thực hiện đến năm 2023 là 6.385ha với tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 18.332 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng theo giá hiện hành ước thực hiện đến hết năm 2023 đạt 615 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 là 9,4%. Tổng thu ngân sách địa phương năm 2022 là 762,376 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn 13,6 tỷ đồng, đạt 111% mục tiêu Ðại hội...

Cùng với đó, huyện Mường Nhé triển khai kế hoạch hành động thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện. Ðiển hình trong đó là việc tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện để tiếp thu, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn huyện. Ðồng thời, kêu gọi, phối hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị đến thăm, khảo sát thực tế điều kiện, địa điểm để triển khai thực hiện các dự án về phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng, như: Cột cờ chủ quyền cực Tây của Tổ quốc, trung tâm dịch vụ thương mại; phát triển cây dược liệu, các dự án thủy điện, điện sinh khối...

Trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, nhiều mô hình phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Mường Nhé được hình thành, bước đầu đạt hiệu quả. Ðiển hình trong đó là việc chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng từ những cây truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng quế, dổi, gai xanh... Ðến nay, Mường Nhé có 14 hợp tác xã hoạt động với 114 thành viên. Trong đó, giai đoạn 2020 - 2023 thành lập mới 6 hợp tác xã (1 hợp tác xã gai xanh Mường Nhé, 2 hợp tác xã nông nghiệp, 2 hợp tác xã dịch vụ trồng và chế biến quế…) Phong trào “Không cho đất nghỉ” do Huyện ủy Mường Nhé phát động đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nông dân Mường Nhé biết tăng vụ trên cùng đơn vị diện tích, mở rộng khai hoang lúa nước, tự bỏ vốn đầu tư trồng cây công nghiệp dài ngày như quế, dổi… Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho gia đình, từng bước phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Nhiều mô hình phát triển du lịch gắn với văn hóa các dân tộc cũng dần được hình thành. Huyện Mường Nhé đã ban hành đề án, kế hoạch triển khai thực hiện phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa, tạo lợi thế để phát triển các mô hình du lịch, như: Du lịch cộng đồng, homestay, thắng cảnh thiên nhiên Mường Nhé, chinh phục Ngã ba biên giới - điểm cực Tây Tổ quốc A Pa Chải. Huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc cùng nhiều lễ hội khác trở thành hoạt động thường niên, là sản phẩm, tiềm năng, lợi thế của huyện để thu hút khách du lịch. Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2023 huyện Mường Nhé đã đón khoảng 8.000 lượt khách đến du lịch, thăm thân và làm việc, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng…

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top