Nông dân Pu Nhi mong mỏi triển khai trồng mắc ca

09:29 - Thứ Tư, 30/08/2023 Lượt xem: 6060 In bài viết

ĐBP - Dự án trồng mắc ca là chủ trương lớn của tỉnh, cấp ủy chính quyền các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ, tham gia dự án. Tuy nhiên, tại xã Pu Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông), dù người dân đã rất sẵn sàng, tích cực chuẩn bị đất, nhân lực để trồng mắc ca nhưng vì nhiều nguyên nhân, giống cây lâm nghiệp đa chức năng này vẫn chưa được triển khai đồng bộ trên địa bàn, trong khi niên vụ trồng mắc ca 2023 sắp hết.

Ông Vàng A Sùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp H&T dọn cỏ mọc tại những hố đã đào để trồng mắc ca.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Pu Nhi cho biết: Cây mắc ca được trồng thí điểm trên địa bàn xã từ tháng 5/2022. Ðến tháng 9/2022, xã đã vận động 26 hộ tham gia trồng với diện tích trên 20ha. Tháng 2/2023, xã đã tổ chức hiệp thương lần 1, trong đó, các bên liên kết gồm: Các hộ dân với đại diện là Hợp tác xã Nông nghiệp H&T, Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc. Hiệp thương cũng đề xuất Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc là đơn vị chủ trì liên kết (cung ứng cây mắc ca giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật, vật tư nông nghiệp; liên kết tiêu thụ sản phẩm). Tuy nhiên, sau khi khảo sát các điều kiện (đất đai, nguồn nước...), phía Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc nhận thấy có những khó khăn, vướng mắc như: Sự phân tán, nhỏ lẻ của vùng trồng, người dân chưa có đủ kỹ năng, kỹ thuật... nên chưa nhất trí với các nội dung hiệp thương.

Chính quyền xã đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong triển khai trồng mắc ca; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các phòng ban chuyên môn của huyện và doanh nghiệp để tìm ra tiếng nói chung, thúc đẩy việc triển khai trồng mắc ca trên địa bàn. Cho đến thời điểm này (cuối tháng 8), sau khi đạt được những thỏa thuận ban đầu, phía đại diện hộ tham gia trồng mắc ca (Hợp tác xã H&T) đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông tiến hành soạn thảo hợp đồng, gồm: Hợp đồng nguyên tắc về việc triển khai dịch vụ kỹ thuật và liên kết tiêu thụ quả mắc ca; Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả mắc ca với đại diện bên A là Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc, bên B là Hợp tác xã Nông nghiệp H&T. Các hợp đồng có nội dung cơ bản là: Hai bên tham gia ký kết hợp đồng trên cơ sở quan hệ bạn hàng, bình đẳng, cùng có lợi theo quy định của pháp luật; trồng, chăm sóc, sản xuất sản phẩm quả mắc ca trong thời gian 10 năm (có thể kéo dài theo thỏa thuận của 2 bên); diện tích trồng là 20ha do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương sở hữu tại các bản Pu Nhi A, Huổi Tao A, Nậm Bó, Háng Trợ; sản lượng dự kiến là 140 tấn/năm. Ðơn giá căn cứ đơn giá thu mua mắc ca của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và đơn giá mắc ca của liên sở tỉnh Ðiện Biên tại thời điểm thu mua (có thể tham khảo đơn giá tại thị trường Australia); chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP và yêu cầu chất lượng của bên A theo từng thời điểm, bên A sẽ đến nơi trồng để kiểm tra quy cách, chất lượng quả mắc ca trong thời gian ít nhất 20 ngày trước vụ thu hoạch... Bên A chịu trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và thu mua, thanh toán toàn bộ sản phẩm mắc ca đủ tiêu chuẩn; bên B tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản theo tiêu chuẩn...

Mặc dù hợp đồng đã được thảo, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Pu Nhi Lò Văn Thinh: Hiện chỉ có Hợp tác xã Nông nghiệp H&T (đại diện hộ dân liên kết trồng mắc ca) ký vào hợp đồng, giá trị hợp đồng vẫn cơ bản nằm trên giấy, chưa đủ căn cứ pháp lý. Còn các hộ dân Pu Nhi thì rất sẵn sàng rồi, bà con đã chuẩn bị đất, đào hố, lót phân... chỉ chờ phía doanh nghiệp cung cấp giống để gieo trồng. 

Cùng ông Vàng A Sùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp H&T đến khu vực nương người dân chuẩn bị trồng mắc ca ở bản Háng Trợ, theo quan sát của chúng tôi, quả đồi đã dừng canh tác các loại cây nông nghiệp khác, các hố chờ trồng mắc ca được người dân đào đã khá lâu, cỏ mọc cao vượt miệng hố.  Vừa nhổ nhưng cây bụi mọc trong các hố trồng, ông Sùng vừa chia sẻ: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng mắc ca theo tôi là bước đi tiềm năng do đây là cây trồng đa mục đích, sau khi trồng thử nghiệm, cây tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu các bước chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ diễn ra đúng dự kiến. Ðịa bàn Pu Nhi gần trung tâm tỉnh lỵ nên việc vận chuyển từ cây giống, vật tư nông nghiệp, đến sản phẩm quả mắc ca đều thuận lợi hơn nhiều vùng trồng khác trên địa bàn tỉnh. Nếu diện tích nương này được tiến hành trồng mắc ca thuận lợi, cây sinh trưởng, phát triển tốt, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng sang những đồi lúa nương phía bên kia, vì lúa những năm qua năng suất không cao, đất bạc màu còn phải chuyển sang vạt nương khác, gây lãng phí nguồn lực đất đai...

“Hố đã bón ủ phân chuồng nên... cỏ mọc rất nhanh. Cây giống mà không sớm được cung ứng để trồng thì công sức, đất, phân bón của thành viên Hợp tác xã chỉ để nuôi cỏ, tiếc công lắm! Theo như chúng tôi tìm hiểu, lịch thời vụ trồng mắc ca là từ tháng 6 - 9 hàng năm, chỉ khoảng gần 1 tháng nữa là hết niên vụ. Trong khi tiểu vùng khí hậu ở Pu Nhi là khi ngừng mưa (tháng 9), khí hậu sẽ lạnh khô, cây giống trồng vào thời điểm đó rất khó sinh trưởng. Giờ nông dân Pu Nhi chỉ biết ngóng chờ từng ngày...” - ông Vàng A Sùng trăn trở.

Bài, ảnh: Phạm Dương - Trần Dũng
Bình luận

Tin khác

Back To Top