Khó giải ngân vốn sự nghiệp các chương trình MTQG

09:03 - Thứ Ba, 12/09/2023 Lượt xem: 4216 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 2 năm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đến nay tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình đạt thấp. Nhất là nguồn vốn sự nghiệp, năm 2022 các huyện, thị xã, thành phố hầu như không thể giải ngân nên nguồn vốn này phải kéo dài sang năm 2023. Ðến nay, chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là hết năm song tỷ lệ giải ngân vẫn đạt rất thấp.

Phòng Dân tộc huyện Ðiện Biên Ðông thực hiện Dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho người dân xã Noong U từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2023, tổng nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG được giao cho tỉnh quản lý là 969,313 tỷ đồng. Ðến hết 6 tháng đầu năm, giải ngân được 22,337 tỷ đồng (đạt 3,36% tổng kế hoạch vốn). Khối lượng công việc còn lại rất lớn trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều, để giải ngân 100% vốn sự nghiệp các chương trình MTQG rất khó.

Hiện nay, các dự án hỗ trợ, phát triển sản xuất, tạo sinh kế thuộc các chương trình MTQG gần như chưa có địa phương nào triển khai thực hiện. Các huyện đều cho rằng, các văn bản hướng dẫn còn thiếu hoặc hướng dẫn chung chung nên rất khó triển khai thực hiện. Chỉ riêng các dự án hỗ trợ sản xuất, các huyện, thị xã, thành phố đã có 35 ý kiến, kiến nghị đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, trong đó tập trung chính vào các nội dung như: Ðịnh mức kinh tế kỹ thuật các dự án; chưa có định mức về chuồng trại trong chăn nuôi, công lao động.... gây khó khăn trong việc hạch toán kinh phí phần đối ứng của các hộ dân tham gia dự án; một số quy định, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế địa phương; quy định số lượng người tham gia các dự án, mô hình còn chung chung.

Ðơn cử như huyện Ðiện Biên Ðông, tổng nguồn vốn sự nghiệp 2 năm (2022 - 2023) là 119,365 tỷ đồng; giải ngân đến hết 31/7 là 19,216 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch vốn. Nguồn vốn đã giải ngân chủ yếu thuộc ác dự án, tiểu dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như: Ðầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; hỗ trợ đầu tư hạ tầng KT - XH; làm nhà cho hộ nghèo; các dự án truyền thông, hỗ trợ nghề nghiệp. Ðến nay, 100% các dự án hỗ trợ sản xuất của cả 3 chương trình đều chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðối với nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, huyện Ðiện Biên Ðông ưu tiên triển khai những dự án có văn bản hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng. Ví dụ như Dự án 5 về Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay tỷ lệ giải ngân đạt 92,4%. Ðối với các dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, mặc dù ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cơ sở trực tiếp thực hiện dự án song do các quy định, hướng dẫn chưa đầy đủ nên các xã, thị trấn vẫn chưa triển khai thực hiện. Do đó chưa có khối lượng để giải ngân vốn.

Bên cạnh việc thiếu văn bản hướng dẫn, thì việc vốn sự nghiệp được giao chi tiết theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. Nội dung cần chi không được phân bổ, có những nội dung lại được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được. Trong khi địa phương không được tự điều chỉnh do thẩm quyền này là của Trung ương. Việc giao vốn như hiện nay làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách. Ðơn cử như bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) có 82 hộ đồng bào dân tộc Cống. Những năm qua, bản Lả Chà được thụ hưởng rất nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất mang tính chất đặc thù. Năm 2022 - 2023, thực hiện các chương trình MTQG, bản Lả Chà tiếp tục được phân bổ hơn 10 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư để duy tu, sửa chữa các công trình. Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế hơn 10 tỷ đồng. Nguồn vốn giao rất lớn song không có nội dung chi hoặc vượt quá khả năng chi nên không thể giải ngân. Tương tự lĩnh vực đào tạo nghề, nguồn vốn phân bổ khá nhiều nhưng khó giải ngân vì không có đối tượng học nghề, thiếu cơ sở vật chất, liên kết đào tạo khó khăn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top