Tăng sinh kế từ lâm sản ngoài gỗ

09:11 - Thứ Bảy, 16/09/2023 Lượt xem: 5166 In bài viết

ĐBP - Với hơn 407.000ha diện tích đất có rừng, ngoài chức năng lưu giữ, cung cấp nguồn nước và gỗ, rừng ở Ðiện Biên còn cung cấp nhiều loài lâm sản ngoài gỗ quý giá. Lâm sản ngoài gỗ thường có khối lượng nhẹ, vận chuyển dễ dàng, khả năng phục hồi nhanh, năng suất kinh tế cao, phù hợp với quy mô hộ gia đình nên dễ được người dân chấp nhận trong các chương trình xã hội nghề rừng, phát triển kinh tế hộ gia đình và cộng đồng.

Người dân bản Huổi Xuân, huyện Mường Chà thu hoạch lâm sản ngoài gỗ.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) đã đưa vào trồng thử nghiệm hơn 3,3ha sa nhân tím dưới tán rừng tại bản Lĩnh. Nhờ gần nguồn nước và là nơi không chăn thả gia súc nên sa nhân tím trồng tại bản Lĩnh sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống gần 100%. Nhận thấy đây là giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tự nhiên, trong giai đoạn 2019 - 2022, thông qua nguồn vốn các chương trình, dự án Mường Pồn tiếp tục mở rộng thêm hơn 30ha diện tích trồng sa nhân, nâng tổng số diện tích trồng sa nhân tím của xã lên gần 40ha.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Sau 2 - 3 năm trồng cây sa nhân tím bắt đầu cho thu hoạch. Ðến nay toàn xã có gần 30ha sa nhân tím tập trung chủ yếu tại bản Lĩnh và bản Mường Pồn 2 đã cho thu hoạch ổn định, trung bình 250kg quả khô/ha/năm. Với giá bán hiện nay khoảng 200.000 đồng/kg quả khô, mỗi năm 1ha sa nhân mang lại nguồn thu bình quân 50 triệu đồng, giúp bà con tạo sinh kế và tăng thu nhập.

Tại huyện Tuần Giáo, tận dụng lợi thế về rừng, điều kiện khí hậu thuận lợi, một số giống dược liệu quý như: Thảo quả, sa nhân, ba kích, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu đã được đưa vào trồng trồng thử nghiệm và phát triển. Ðồng thời, huyện có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc, dược liệu quý có giá trị kinh tế cao của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu. Ðến nay, toàn huyện có hơn 200ha cây sơn tra phân bố tại xã Tỏa Tình, Tênh Phông, trong đó 80ha cho quả ổn định, sản lượng 452 tấn, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 30 - 60 triệu đồng/ha. Ngoài ra, khoảng 180ha cây sa nhân phân bố tại các xã: Tỏa Tình, Phình Sáng, Rạng Ðông, Ta Ma và hơn 83ha cây thảo quả tại xã Tênh Phông cũng mang lại hiệu quả kinh tế từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 900ha trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ… với các loại cây đặc trưng như: Sa nhân, thảo quả… Ngoài ra, một số mô hình trồng cây đinh lăng, nghệ đen, hương nhu, ba kích, ý dĩ, sâm Ngọc Linh, sả Java... cũng bắt đầu được người dân tìm hiểu, thực hiện. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị dưới tán rừng tại tỉnh ta vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu mang tính chất tự phát, hầu hết chưa có các mối liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra sản phẩm của các loài cây này không ổn định chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua để đưa về các tỉnh miền xuôi hoặc xuất sang thị trường Trung Quốc; chưa hình thành được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để duy trì và phát triển các diện tích đã thực hiện, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào chế biến dược liệu, bởi sản lượng dược liệu chưa đủ lớn, không ổn định.

Vụ sa nhân tím năm 2023 tại Mường Nhé là một ví dụ điển hình. Theo người dân trồng sa nhân nơi đây, nếu năm ngoái 1kg quả tươi được thương lái thu mua với giá bình quân 50 nghìn đồng thì vụ này giảm xuống chỉ còn 14 nghìn đồng. Giá sa nhân thấp, nhiều hộ dân không đi thu hoạch dù đã đến vụ, nhiều hộ thì chọn cách thu hoạch về phơi khô để mong bán với giá cao hơn, thế nhưng người trồng sa nhân tím vẫn rất khó bán do không có người mua.

Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác lâm sản, bảo vệ rừng, sản xuất và khai thác dược liệu ở một số địa phương thiếu khoa học, bền vững dẫn đến tình trạng nguồn dược liệu ngày càng cạn kiệt.

Ðơn cử tại huyện Mường Chà, vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, người dân sống trên địa bàn các xã ven quốc lộ 12 vẫn thường vào rừng lấy măng, sơ chế thành măng khô rồi bán cho tiểu thương. Ðể làm được 3kg măng khô người ta phải sơ chế khoảng 40kg măng tươi. Vậy mà mỗi năm hàng trăm tấn măng, hầu hết có nguồn gốc từ rừng tự nhiên được thu mua. Cứ như vậy các rừng tre, nứa liệu có thể sinh sôi kịp?

Ngoài măng, những năm trước đây, rừng Mường Chà còn có nhiều loại cây dược liệu được tư thương thu mua rầm rộ hàng năm, như: Củ khúc khắc, cây lông cu li... Hàng trăm tấn dược liệu được thu mua mỗi năm cho thấy rừng Mường Chà có trữ lượng cây dược liệu khá lớn. Tuy nhiên, các loại cây dược liệu này được thu hái tự do và tự phát, bởi vậy những năm gần đây, sản lượng đã giảm đáng kể.

Ðể lâm sản ngoài gỗ phát triển bền vững

Lâm sản ngoài gỗ là sản phẩm phụ từ rừng và có trữ lượng tương đối lớn ở các vùng rừng tự nhiên, nhưng đây không phải là nguồn lợi vô tận. Bởi vậy việc phát triển lâm sản ngoài gỗ là vấn đề cần được quan tâm và có giải pháp đồng bộ. Trong Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta đã đề ra mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị, tập trung phát triển các loài cây có tiềm năng đầu ra của sản phẩm (sa nhân, thảo quả, đẳng sâm, quế...), phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có trên 4.000ha cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng với trên 500ha cho thu hoạch ổn định hàng năm.

Với mục tiêu trên, nhiều giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng đã và đang được tỉnh tập trung thực hiện, như: tổ chức điều tra, đánh giá cụ thể, khoa học về thực trạng phân bố, phát triển của các loài cây lâm sản, cây dược liệu có giá trị cao, tiềm năng sản phẩm đầu ra lớn để phân vùng, tập trung đầu tư phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các loài cây lâm sản, cây dược liệu có giá trị cao dưới tán rừng; xây dựng và thực hiện một cơ chế chung về sử dụng đất đai và chia sẻ lợi ích để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người dân…

Cùng với đó, tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu ban hành cơ chế, hướng dẫn thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tập trung đất đai để thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp nói chung và phát triển kinh tế dưới tán rừng nói riêng; nâng mức hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ lên khoảng 30 triệu đồng/ha để hỗ trợ, khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển lâm sản ngoài gỗ, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top