Bước sang năm thứ 3 thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều thách thức mới đặt ra với doanh nghiệp khi thị trường áp dụng hàng rào kỹ thuật xanh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những sức ép này buộc doanh nghiệp phải sớm chuyển đổi xanh nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Nhiều tiêu chuẩn mới
Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, 3 năm qua, EVFTA đã giúp trao đổi thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng. Hàng dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… cùng nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 2 đến 3 con số. Đặc biệt, tỷ lệ tận dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi liên tục tăng. Tuy nhiên, hiện những lợi thế này phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững…
Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM thông tin, các tiêu chuẩn về môi trường đối với sản phẩm trong nước đã sớm được EU quy định từ năm 1987, tuy nhiên gần đây được quy định chặt chẽ hơn. Điều này bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đưa định giá carbon áp với các sản phẩm xuất khẩu sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10 tới. Trước đây, các tiêu chuẩn này được áp dụng nhỏ lẻ và mang tính tự nguyện thì tới đây sẽ mang tính bắt buộc và trải rộng hơn.
Về những tiêu chuẩn xanh trong EVFTA, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững, với vấn đề môi trường gồm 4 khía cạnh chính: Biến đổi khí hậu; đa dạng sinh học; quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản; quản lý, phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, về biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu doanh nghiệp lựa chọn nguyên liệu thân thiện môi trường. Hay liên quan đến bảo tồn các nguồn tài nguyên biển yêu cầu doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phải đạt các chứng nhận xuất khẩu sang thị trường EU, tuyệt đối không tham gia hay mua bán sản phẩm đánh bắt trái phép, sử dụng nguồn, công cụ gây thiệt hại cho sinh vật biển.
Chủ động nắm bắt, thích ứng
Những hàng rào kỹ thuật xanh đang gây sức ép không nhỏ buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải sớm chuyển đổi xanh. Theo Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm tất cả những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này. Đây cũng là thách thức với một chuỗi những thay đổi “xanh” dần, bền vững dần, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ dài hạn và duy trì thường xuyên mới bảo đảm yêu cầu của đối tác. Đặc biệt, nếu đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xanh, bền vững này, hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, cuộc khảo sát tháng 8 vừa qua của VCCI cho thấy, gần 70% doanh nghiệp được khảo sát đã biết về Chương trình từ nông trại đến bàn ăn của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm; gần 80% doanh nghiệp biết Luật Chống phá rừng của EU; gần 60% doanh nghiệp biết đến chiến lược dệt may… Điều này cho thấy các doanh nghiệp có ý thức hơn về những tiêu chuẩn mới của thị trường, đồng thời sẵn sàng đáp ứng và vượt qua.
Từ góc độ doanh nghiệp, Chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vương Đức Anh cho rằng, phát triển bền vững gắn với sản xuất xanh là xu thế không thể đảo ngược, buộc doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt và có chiến lược dài hạn. Vinatex đang tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững, tổ chức sản xuất thử nghiệm mặt hàng đạt tiêu chuẩn xanh, bền vững. Các giải pháp khác cũng linh hoạt và đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt lên những thách thức này, ông Vương Đức Anh kiến nghị chương trình hành động phát triển bền vững của Chính phủ cần có tiêu chí rõ ràng, đồng thời cần đi kèm chính sách tài khóa, ưu đãi thuế thu nhập để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào phát triển bền vững.
Khẳng định phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc, ông Ngô Chung Khanh lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu tập trung nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường châu Âu. “Mỗi doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc thay đổi tư duy và tiến tới hành động để chuyển đổi bản thân mình. Có như vậy, chuyển đổi xanh mới được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do nói chung cũng như EVFTA mang lại”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.