ĐBP - Năm 2017, tỉnh Ðiện Biên triển khai thí điểm mô hình dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Ðến nay, mô hình đã giúp nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mang lại thu nhập cao. Mô hình cho năng suất sản lượng cao hơn nhiều lần phương pháp gieo cấy truyền thống; giảm vật tư, thuốc bảo vệ thực vật.
Thực hiện chủ trương thí điểm xây dựng cánh đồng lớn, huyện Ðiện Biên đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các xã tổ chức thực hiện, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phương án tổ chức thực hiện cánh đồng lớn. Ðồng thời, khuyến khích, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Ðặc biệt, tỉnh, huyện đã triển khai các chính sách hỗ trợ đơn vị tham gia thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã phê duyệt dự án và triển khai thực hiện 2 cánh đồng lớn, liên kết sản xuất với diện tích 53ha do Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên và Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé thực hiện dự án. Tiên phong xây dựng cánh đồng lớn, năm 2017 có 310 hộ dân tại các xã: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh An, Noong Hẹt, Pom Lót, Sam Mứn tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn. Trong đó, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên tham gia sản xuất cánh đồng lớn trên diện tích 31ha. Hợp tác xã đã thực hiện được vai trò định hướng sản xuất cho các thành viên tham gia thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, phân bón và tiêu thụ sản phẩm cho người dân liên kết.
Mô hình cánh đồng lớn đã bước đầu tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa tập trung; việc áp dụng cùng quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch được thực hiện đồng nhất đã giảm chi phí sản xuất từ 3,7 - 4,6 triệu đồng/ha (phân bón giảm 1,230 triệu đồng/ha; thu hoạch giảm 2,7 triệu đồng/ha; phòng trừ sâu bệnh giảm 280 nghìn đồng/ha…). Thu nhập của người nông dân tham gia mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7 - 10 triệu đồng/ha. Mô hình bước đầu tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và có chất lượng cao, mở hướng hình thành hoạt động sản xuất lúa theo đơn đặt hàng, nhu cầu tiêu thụ. Ðặc biệt, quy trình sản xuất và chi phí được ghi chép vào sổ theo tiêu chuẩn VietGAP. Người sản xuất tính toán được giá thành mỗi vụ, chi phí đầu vào, đầu ra trong sản xuất đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, gắn sản xuất với thị trường, sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn.
Từ thành công ban đầu, sau khi kết thúc thí điểm mô hình cánh đồng lớn, huyện Ðiện Biên đã vận dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về nhà xưởng, máy móc, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm… góp phần thúc đẩy nhân rộng diện tích cánh đồng lớn. Ðến nay, từ 31ha mô hình thí điểm, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã nhân rộng lên 75ha, với 135 hộ dân tham gia liên kết; Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé nhân rộng lên 30ha.
Theo Kế hoạch 2203/KH-UBND ngày 7/8/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 và định hướng đến năm 2026, toàn tỉnh có 568ha cánh đồng lớn, với hơn 4.700 hộ dân tham gia. Trong đó, diện tích cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Ðiện Biên là 220ha với hơn 1.300 hộ dân tham gia.
Theo ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, để nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, nhiều bài toán cần được giải quyết như: Công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa; thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, vào cuộc từ nhiều phía. Ðặc biệt, để mở rộng được diện tích cánh đồng lớn, các cấp, ngành tỉnh cần ưu tiên đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, trong đó phải có chính sách cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đồng bộ về cơ giới hóa. Những năm gần đây, các địa phương không triển khai dồn điền đổi thửa do không có chính sách cụ thể, không có kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch vùng và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp.