Đề xuất luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

09:51 - Thứ Sáu, 29/09/2023 Lượt xem: 3534 In bài viết

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được đề xuất áp dụng từ ngày 1-1-2024.

Sáng 28-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được G20 thông qua sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Theo đó, có hai trụ cột được thực hiện, trong đó trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.

Việc áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam các cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách từ nguồn thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Dự thảo Nghị quyết quy định người nộp thuế bao gồm công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên, trừ các tổ chức của chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao và các tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức nêu trên theo quy định của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, hiện nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã nội luật các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu vốn sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.

“Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ”, ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Đồng tình với các đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, trước mắt nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết thí điểm của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu trước khi tiến hành sửa Luật để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế, chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và dự kiến về thời gian hiệu lực thi hành để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top