ĐBP - Thực trạng ATVSTP ngày càng đáng lo ngại như hiện nay đã đặt ra nhu cầu cần thiết phải có những cơ sở sản xuất đủ năng lực và uy tín cung cấp những mặt hàng thực phẩm, an toàn tới người tiêu dùng. Ðể đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số cơ sở sản xuất đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn sản phẩm an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh…
Với diện tích gần 4ha, hàng chục loại rau trồng theo phương pháp hữu cơ của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên được bán tại Siêu thị Tâm Ðỏ đang đáp ứng được các nhu cầu sử dụng của người dân TP. Ðiện Biên Phủ. Mùa nào rau đó, trung bình cơ sở này cung cấp ra thị trường hơn 80 - 100kg rau mỗi ngày. Với mục tiêu chất lượng phải tốt nhất, cơ sở đã đầu tư xây dựng công nghệ theo tiêu chuẩn và thực hiện nghiêm ngặt kỹ thuật từ khâu cải tạo đất, giống đến chăm sóc rau. Không chỉ vậy, với quan điểm để mở rộng và chinh phục được các thị trường khó tính, chủ cơ sở xác định cần phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí theo những quy định khắt khe về an toàn thực phẩm. Bà Trần Thị Nga, nhân viên kỹ thuật Siêu thị Tâm Ðỏ cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang trồng các loại quả (táo, ổi, dưa hấu, dưa chuột, cà chua…) và các loại rau theo mùa. Trong quá trình canh tác chúng tôi luôn coi trọng khâu làm đất và kỹ thuật chăm sóc rau, áp dụng theo phương pháp trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP... Ðặc biệt, mới đây chúng tôi đang làm các thủ tục để cấp bằng chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) cho các sản phẩm của mình. Nếu chứng nhận được cấp sẽ là “vé thông hành” tốt nhất để sản phẩm của chúng tôi vào được các siêu thị lớn ngoài tỉnh và có thể xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài…”.
Không chỉ tại khu vực lòng chảo, mà tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, mô hình an toàn thực phẩm bắt đầu được xây dựng, hứa hẹn mang lại hiệu quả trong tương lai không xa. Như tại Nậm Pồ, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, UBND xã Si Pa Phìn phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện Hợp tác xã rau sạch Si Pa Phìn với quy mô hơn 10ha. Trong đó, diện tích trồng su su là 4ha, rau ngót 1ha và các loại rau, củ quả khác trên 6ha. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực phối hợp triển khai thực hiện xuống giống cho 4ha giàn su su và chuẩn bị làm đất, bón phân cho trên 6ha các loại rau, củ quả khác đảm bảo về quy trình, kỹ thuật theo kế hoạch. Hợp tác xã rau sạch Si Pa Phìn được Nậm Pồ xác định là mô hình trọng điểm về xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn tập trung, đảm bảo cung ứng cho toàn huyện và các khu vực lân cận, đặc biệt là các đơn vị trường học trên địa bàn huyện...
Cơ sở sản xuất bún tươi của bà Vũ Thị Hoa, tổ dân phố 2, phường Nam Thanh là một trong những cơ sở lâu năm trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được cơ sở đặt lên hàng đầu. Vừa qua, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bún tươi khiến nhiều người dân đang e dè với sản phẩm này. Ðiều đó khiến cho sản lượng bún sản xuất của cơ sở hàng ngày đang giảm mạnh. Chính vì như vậy, chủ cơ sở càng phải chặt chẽ hơn trong các công đoạn sản xuất, đảm bảo ATVSTP. Bà Vũ Thị Hoa cho biết: “Với kinh nghiệm trên 30 năm làm bún, cơ sở chúng tôi luôn tâm niệm chữ tín phải được đặt lên hàng đầu. Nhân viên luôn được kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong quá trình sản xuất luôn đeo khẩu trang, găng tay, tạp dề... Hơn nữa, cơ sở chúng tôi còn cung cấp cho các trường mầm non nên cứ 6 tháng lại mang mẫu bún đi xét nghiệm một lần. Chúng tôi cũng đầu tư dây chuyền sản xuất bún liên hoàn từ cách đây 3 năm, vừa giảm được sức người vừa đảm bảo vệ sinh. Nước sử dụng là nước có hệ thống lọc riêng ở trên tầng thượng chứ không sử dụng trực tiếp nước máy...”.
Trong giai đoạn hiện nay, nhịp sống nhanh, công việc bận rộn, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh ngày càng tăng. Giờ tan ca, không ít gia đình đã lựa chọn mua các thực phẩm chế biến sẵn cho bữa cơm quây quần, giúp tiết kiệm công sức và thời gian bếp núc. Thế nhưng, khi đề cập đến vấn đề ATVSTP đối với thức ăn đã chế biến thì phần lớn người tiêu dùng đều đặt niềm tin vào người bán hàng. Lướt qua các chợ dân sinh một vòng, ai cũng có thể dễ dàng gặp các quán ăn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm đồ ăn chế biến sẵn. Thực phẩm được chế biến để ăn ngay rất đa dạng được bày bán gồm: Giò, chả, nem, vịt quay, cá kho, thịt áp chảo, thịt nướng… được bày bán ở quán ăn, quầy hàng, thậm chí ở lề đường, vỉa hè. Qua khảo sát thực tế tại chợ Mường Thanh và chợ Trung tâm 3 phần lớn những tiểu thương có chỗ bày bán cố định đều được quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều tiểu thương đã tuân thủ chặt chẽ các quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng vẫn còn một số tiểu thương còn xem nhẹ vấn đề này. Nhiều quầy hàng đều không có tủ kính để bảo quản, đồ bao gói thức ăn chỉ là những túi ni lông bình thường, không có loại dùng riêng để bao gói thực phẩm. Và vẫn còn tình trạng một số tiểu thương bày bán lưu động, kinh doanh quá nhỏ lẻ thì chưa được quản lý…
Ðể giúp người tiêu dùng lựa chọn và bảo quản thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn một cách an toàn, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đưa ra một số khuyến cáo để người dân chú ý đến việc lựa chọn cơ sở và hình thức bảo quản thực phẩm. Bà Phan Thị Phong Lan, Phó Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP tỉnh chia sẻ: “Người dân nên mua thực phẩm có nguồn gốc thông tin rõ ràng, mua ở các cửa hàng có cơ sở cố định. Thứ hai, người tiêu dùng không nên mua quá nhiều, mà nên mua vừa đủ, tránh gây lãng phí, dùng không hết phải chế biến đi chế biến lại nhiều lần cũng gây mất vệ sinh, phát sinh nhiều độc tố về an toàn thực phẩm. Thêm nữa, cũng không nên mua ở các cơ sở bày bán lẫn lộn với nhiều thực phẩm khác...”
Vào thời điểm chất lượng thực phẩm còn ở tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay thì rất cần những mô hình sản xuất thực phẩm an toàn của các cơ sở có cả tâm và tầm. Có như vậy, chất lượng các mặt hàng thực phẩm mới được nâng lên, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng...