Khó phát triển đại gia súc ở Mường Nhé

09:32 - Chủ Nhật, 01/10/2023 Lượt xem: 4239 In bài viết

ĐBP - Ngay khi bước vào nhiệm kỳ mới, huyện Mường Nhé xây dựng và ban hành Ðề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Người dân bản Nà Pán, xã Mường Nhé chăm sóc đàn trâu.

Ðến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Ðề án, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Mường Nhé ước đạt 17.776 con; trong đó, đàn trâu 12.195 con, đàn bò 5.581 con, tăng 633 hộ chăn nuôi và 2.042 con gia súc so với thời điểm trước. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2022 đạt 88,4 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm 36,31% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Ðể giúp người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện Mường Nhé hỗ trợ trồng 110,39ha cây cỏ voi từ ngân sách huyện, người dân tự trồng mở rộng thêm 75,63ha… Ngoài ra, huyện còn tiến hành chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn thuộc Chương trình khuyến nông của huyện với 6 lớp, 202 học viên. Huyện cũng tích cực thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, triển khai định kỳ đợt 2 đợt/năm với tổng số các loại vắc xin tiêm là 67.230 liều, tỷ lệ tiêm đạt 65,7% tổng đàn gia súc trên địa bàn. Nhằm khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, huyện Mường Nhé đã chỉ đạo rà soát và tổng hợp nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung. Tính đến nay, đã có 6.618 hộ vay vốn ngân hàng chính sách để phát triển chăn nuôi với tổng số vốn vay trên 311 tỷ đồng…

Tuy vậy, phải nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế, qua nửa nhiệm kỳ triển khai, Ðề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung của huyện Mường Nhé vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Chăn nuôi tập trung chưa phát triển mạnh, còn phân tán, tự phát. Các mô hình chăn nuôi còn nhỏ, nhiều mô hình không duy trì được chuyển sang hình thức bán chăn thả, do đó ảnh hưởng đến việc triển khai phát triển cây lâm nghiệp, du lịch. Theo thống kê, tổng số hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Mường Nhé hiện là 5.908 hộ. Trong đó: Chăn nuôi theo hình thức thả rông 3.367 hộ, chiếm 56%; chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả 2.489 hộ, chiếm 42%; chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt chỉ có 52 hộ, chiếm 1%. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 6 xã xây dựng được 6 mô hình nuôi nhốt tập trung, 28 hộ tham gia với tổng đàn trâu, bò đưa vào nuôi nhốt là 338 con. Tuy nhiên đến nay còn 15 hộ duy trì, 13 hộ đã chuyển sang hình thức nuôi bán chăn thả… Không chỉ vậy, hệ thống chuồng trại chăn nuôi trâu, bò của các hộ gia đình tham gia mô hình chủ yếu là chuồng tạm, bán kiên cố, chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật. Người chăn nuôi chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo, phương pháp phòng và điều trị bệnh trên đàn trâu, bò; đồng thời, chủ yếu chăn nuôi, trồng cỏ bằng kinh nghiệm và tham khảo thêm trên internet… Ðại đa số người dân chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình không đảm bảo xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường. Một số hộ dân chưa quan tâm đúng mức về công tác thú y, vì vậy nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc là rất lớn. Việc dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại, chăm sóc gia súc trong mùa mưa rét chưa được người dân thực hiện tốt nên sức khỏe đàn gia súc có thời điểm giảm sút làm tăng nguy cơ dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức sinh trưởng và phát triển…

Thêm một khó khăn nữa ảnh hưởng đến việc phát triển chăn nuôi ở Mường Nhé là về cơ cấu giống trâu, bò. Hầu hết giống trâu, bò chủ yếu là giống địa phương, thời gian nuôi kéo dài, tiêu tốn thức ăn ở mức cao, giá trị kinh tế chưa được phát huy tối đa. Giống trâu chủ yếu là trâu địa phương (trâu dé), trọng lượng trâu 2 năm tuổi bình quân đạt 230 - 250kg/con; trâu 5 tuổi đạt bình quân 330 - 350kg/con. Còn cơ cấu giống bò chủ yếu là giống bò vàng địa phương, tầm vóc nhỏ, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng còn đơn giản, thức ăn dựa hoàn toàn vào đồng cỏ tự nhiên. Trọng lượng cơ thể đối với bê 1 năm tuổi chỉ đạt 80 - 90kg và bò trưởng thành chỉ đạt từ 200 - 250kg/con. Huyện Mường Nhé cũng đã xác định chọn lọc cải tạo chất lượng đàn trâu, bò cái nền, trâu đực giống là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế. Mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 trâu, bò cái nền; trong đó, 1.500 con trâu, bò cái nền đạt chỉ tiêu kỹ thuật về giống. Thế nhưng, đến thời điểm này chỉ tiêu đó vẫn chưa triển khai thực hiện được do chưa bố trí được nguồn kinh phí.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top