Giảm nghèo có địa chỉ ở Nậm Pồ

09:37 - Thứ Hai, 16/10/2023 Lượt xem: 4702 In bài viết

ĐBP - Người nghèo, hộ nghèo vừa là đối tượng vừa là chủ thể của mọi hoạt động giảm nghèo. Vì thế, nhiều năm qua, huyện Nậm Pồ xác định công tác giảm nghèo phải bắt đầu từ mỗi hộ nghèo, người nghèo và phải phù hợp với nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân bản Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ) phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.

Thực hiện chủ trương giảm nghèo theo địa chỉ, theo nguyên nhân, nguyện vọng và đúng thực chất, không chạy theo thành tích, thời gian qua UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp cùng chính quyền các xã tập trung điều tra, rà soát hộ nghèo cẩn thận, minh bạch. Nhất là chú ý phân tích nguyên nhân nghèo để có cách thức hỗ trợ phù hợp với từng hộ nghèo cụ thể.

Gia đình chị Lý Thị Ðạo, bản Nà Khoa, xã Nà Khoa trước đây thuộc diện nghèo. Khi cán bộ các cấp về điều tra, rà soát nhận thấy chị có nguyện vọng phát triển chăn nuôi nhưng do khó khăn về vốn nên chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ, đủ đáp ứng nhu cầu gia đình. Ðể tiếp sức cho chị Ðạo, Hội Nông dân đã giúp chị tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với 50 triệu đồng được vay, chị đầu tư chăn nuôi lợn thương phẩm. Từ 30 con lợn giống ban đầu, sau hơn 5 tháng đàn lợn đạt trọng lượng bình quân từ 80 - 90 kg/con, ước tính sản lượng đạt khoảng 2,5 tấn, tổng thu nhập dự kiến đạt 140 triệu đồng.

Chị Ðạo cho biết, sau khi xuất bán chị sẽ tiếp tục đầu tư lứa mới với quy mô lớn hơn và mở rộng mô hình kinh tế khác. Cán bộ Hội Nông dân cũng tư vấn chị Ðạo thiết kế mô hình vườn - ao - chuồng nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có của gia đình, phát triển thành mô hình khép kín: Nấu rượu - nuôi lợn, trồng rau, cây ăn quả - nuôi cá.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Quan điểm của địa phương là cần phân tích, làm rõ thực trạng, tìm ra lý do cốt lõi để có giải pháp giảm nghèo theo địa chỉ đến từng hộ nghèo cụ thể. Vì mỗi hộ nghèo có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, không nên hỗ trợ cào bằng, chia đều mà cần phân biệt và thực hiện hỗ trợ tùy nhu cầu, điều kiện thực tế”.

Theo phân tích, ngoài các nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số... còn có các nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, như: Một số văn bản, chính sách mới ban hành nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; nguồn lực của địa phương, của bản thân hộ nghèo tham gia đối ứng còn thấp hoặc chưa có. Cùng với đó hộ nghèo có đông nhân khẩu, bệnh tật, người ngoài độ tuổi lao động; một số dự án, tiểu dự án đã xây dựng mô hình, danh mục nhưng chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật, mức hỗ trợ nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện...

Từ việc phân tích rõ nguyên nhân đói nghèo, chính quyền cơ sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm giúp đỡ hộ nghèo trong sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý từ khâu chọn giống đến phương tiện sản xuất phù hợp với đất đai và chọn con giống để phát triển chăn nuôi phù hợp thế mạnh, điều kiện của địa phương. Ðiển hình như xã Nậm Nhừ đã khai thác lợi thế địa bàn để thành lập Hợp tác xã HTX Chăn nuôi lợn, bản Nậm Nhừ 1 với 12 hộ dân tham gia. Từ mô hình này, người dân nhận thấy hiệu quả đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn; chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay, liên kết mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh… Ðến nay, tổng đàn lợn toàn xã đạt hơn 4.000 con. Nhiều hộ nghèo nhờ chăn nuôi lợn đã xóa đói nghèo, thậm chí có hộ vươn lên khá giả.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top