ĐBP - Sau nhiều năm tích cực trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả, đến nay, huyện Tuần Giáo bước đầu hình thành các vùng trồng tập trung, chuyên canh. Nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Khi diện tích cây ăn quả đã phát triển ổn định, huyện Tuần Giáo không tiếp tục mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc, phát triển bền vững diện tích hiện có.
Huyện Tuần Giáo xác định phát triển cây ăn quả chất lượng cao là một trong những hướng phát triển kinh tế chính gắn với thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, huyện đã lồng ghép, sử dụng hiệu quả nhiều nguồn vốn thực hiện 56 dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 484,2ha. Bao gồm: 248,1ha xoài; 52,9ha mít; 22ha nhãn chín muộn; 80,9ha lê; 66,9ha bưởi; 13,4ha chanh leo tím. Diện tích trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Pú Nhung, Rạng Ðông, Mùn Chung, Nà Tòng với tổng diện tích đạt 620ha. Nhiều diện tích đã cho thu hoạch, trong đó có 3ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng. 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tuần Giáo đã xuất bán trên 100 tấn xoài cho Công ty Rau quả Trung ương, với giá bán 7.500 - 10.500 đồng/kg.
Mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đến năm 2025, toàn huyện có 1.000ha cây ăn quả. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển ồ ạt, huyện Tuần Giáo đã tổ chức đánh giá lại các yếu tố liên quan đến việc phát triển cây ăn quả như: Ðộ rộng thị trường tiêu thụ, cơ cấu ngành nông nghiệp, khả năng chăm sóc của người dân, quỹ đất… Trên cơ sở đó, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đã điều chỉnh giảm 400ha cây ăn quả so với Nghị quyết Ðại hội. Cụ thể, đến năm 2025, toàn huyện tập trung chăm sóc, phát triển bền vững 600ha cây ăn quả.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Ðiều chỉnh giảm mục tiêu về diện tích cây ăn quả là phù hợp. Những năm qua, việc mở rộng diện tích cây ăn quả nhanh khiến một số diện tích người dân không đủ nguồn lực chăm sóc, bảo vệ và phát triển nên năng suất, sản lượng và chất lượng quả không đảm bảo. Từ nay đến năm 2025 huyện tập trung nguồn lực phát triển ổn định, bền vững diện tích cây ăn quả hiện có; đảm bảo vườn cây cho năng suất, chất lượng tốt. Ðồng thời, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Quài Nưa là một trong những xã được huyện Tuần Giáo lựa chọn phát triển vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao. Sau khoảng 5 năm thực hiện, đến nay xã Quài Nưa đã hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích hơn 10ha. Sau khi đánh giá lại thực trạng, tiềm năng phát triển, xã Quài Nưa quyết định không mở rộng diện tích cây ăn quả.
Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết: Việc mở rộng diện tích quá nhanh khiến nhiều hộ dân không đủ nguồn lực để chăm sóc vườn cây. Ðầu năm 2023, sau khi ghi nhận về thực trạng một số diện tích cây ăn quả ít được chăm sóc, năng suất sản lượng quả kém, UBND xã đã tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động các hộ dân tập trung chăm sóc vườn cây. Ðồng thời, phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuần Giáo tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để có nguồn lực tiếp tục chăm sóc vườn cây ăn quả. Xã Quài Nưa quyết định không mở rộng diện tích cây ăn quả.
Ông Lò Văn Anh, bản Pha Nàng, xã Quài Nưa cho biết: Từ năm 2018, gia đình tôi đã trồng 200 gốc xoài Ðài Loan. Ðến nay, vườn xoài đã bắt đầu cho thu hoạch. Tôi rất muốn mở rộng diện tích xoài song do diện tích đất nông nghiệp của gia đình có hạn. Bên cạnh đó, chủ trương của xã không mở rộng diện tích cây ăn quả nên gia đình tập trung chăm sóc, phát triển bền vững diện tích xoài hiện có.
Thời điểm này, đến xã Rạng Ðông, những nương ngô, nương lúa đã được chuyển đổi, thay thế bằng những vườn cây ăn quả xanh mướt. Từ năm 2018 đến nay, xã Rạng Ðông đã chuyển đổi, trồng được 50ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài và mít. Năm 2023, người dân Rạng Ðông thu hoạch lứa quả đầu tiên với tổng sản lượng khoảng 20 tấn và được bao tiêu 100% sản phẩm.
Ông Lầu A Sính, Chủ tịch UBND xã Rạng Ðông cho biết: Những dự án trồng cây ăn quả đã cho hiệu quả bước đầu, giúp tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, nhiều hộ dân khó khăn trong công tác chăm sóc và phát triển vườn cây. Một số diện tích đã xuất hiện những cây chết, kém phát triển. Do đó, xã tuyên truyền, vận động người dân tập trung chăm sóc, phát triển diện tích hiện có và không mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.