Vẫn phải nhập khẩu 80% chất phụ gia, thức ăn chăn nuôi bổ sung chính

09:26 - Thứ Ba, 24/10/2023 Lượt xem: 3788 In bài viết

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh.

Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI (chiếm 33,5% về số lượng; 51,3% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 66,5% về số lượng và 48,7% về công suất thiết kế). Tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu các loại, cám các loại, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi là khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm.

Đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, nhưng năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 13 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (chiếm khoảng 65%).

Các sản phẩm chính của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, gồm: 42,8 triệu tấn thóc (chủ yếu dùng tấm, cám làm thức ăn chăn nuôi); 4,6 triệu tấn ngô hạt; 10,5 triệu tấn sắn tươi; 65,4 nghìn tấn đậu tương.

Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính (vitamin, axit amin...), nước ta phải nhập khẩu tới 80%, do không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ, không thu hút được đầu tư.

Bộ NN&PTNT cho rằng, để bảo đảm cung ứng đủ nguồn thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất phải chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước; theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có kế hoạch thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dự trữ.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại chỗ để làm thức ăn chăn nuôi (thức ăn xanh, phụ phẩm nhà bếp, nhà hàng)…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top