Kiến nghị tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp

09:35 - Thứ Ba, 24/10/2023 Lượt xem: 3958 In bài viết

Chiều 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 23-10.

Đã giải ngân 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 2 năm triển khai cho thấy việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 nhằm triển khai, thể hóa các quyết sách được Quốc hội quyết nghị. Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực nhưng cần tiếp tục triển khai, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo số liệu việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến cuối tháng 8-2023, số tiền hỗ trợ lãi suất tương đương khoảng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng. Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 9-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt hơn 21.000 tỷ đồng cho hơn 366.000 lượt khách hàng; đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và 5.194.162 lượt lao động.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 23-10.

Trên cơ sở những kết quả và khó khăn hiện nay, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đồng thời, Chính phủ kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình đến hết năm 2024. Giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Làm rõ trách nhiệm trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43; tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Bên cạnh đó, trước một số bất cập phát sinh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về kết quả thực hiện các chính sách tại Nghị quyết số 43, đối với chính sách tài khóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,6% kế hoạch; chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó nổi bật là chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình đạt khoảng 28,9%; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 10,8%; cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 21,9%...

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách...

Đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này. Đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách nhà nước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top