Sản xuất nông nghiệp an toàn: Hướng đi hiệu quả, bền vững

09:39 - Thứ Năm, 02/11/2023 Lượt xem: 4173 In bài viết

ĐBP - Sức khỏe được đảm bảo, cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt hơn, đầu ra ổn định... là những hiệu quả ông Nguyễn Văn Quân, thành viên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn (RAT) xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) nhận thấy rõ từ khi áp dụng các biện pháp sản xuất rau theo chuỗi an toàn thay thế phương pháp truyền thống.

Nông dân xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên chăm sóc cà chua được trồng theo chuỗi sản xuất an toàn.

Ông Nguyễn Văn Quân cho biết: Sản xuất RAT đầu tiên là đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình, sau đó là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Không những thế sản phẩm làm ra không phải mang ra chợ bán mà có thương lái về tận vườn thu mua, tiền cọc mua hàng cũng được đặt trước. Tổng chi phí đầu vào của sản xuất an toàn giảm so với phương thức trồng rau truyền thống bởi giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật (tiền thuốc và công phun thuốc), công lao động. Năng suất và giá trị hơn hẳn cách làm truyền thống.

Không chỉ hiệu quả về kinh tế mà sản xuất RAT còn tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của nông dân, giúp họ hiểu được rằng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm là điều kiện trọng yếu để phát triển. Ðây là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay.

Sau khi tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai, bà Lò Thị Thanh, thôn Thanh Hà, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) cho biết: “Việc bón phân hữu cơ vi sinh và sử dụng đạm cá vào canh tác lúa đã giúp giảm 20% lượng phân bón vô cơ, số đối tượng sinh vật gây hại; sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa tương đương với bón phân hóa học nhưng số hạt chắc trên bông và trọng lượng hạt cao hơn.”

Khi người dân trực tiếp tham gia vào các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn, sạch thì họ càng hiểu hơn về tầm quan trọng của phương thức sản xuất này như: Thay đổi môi trường, độ PH lý tưởng của đất, điều kiện để cây trồng sinh trưởng, phát triển cùng với sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong đất; sử dụng đúng các loại chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tạo ra sản phẩm sạch... Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra an toàn sẽ thu hút các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.

Trong chăn nuôi cũng vậy, khi áp dụng sản xuất theo hướng an toàn sinh học, con giống có sức kháng bệnh tốt, năng suất, chất lượng cao; từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tú (xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên) cho biết: Năm 2021, Công ty được Sở Khoa học và Công nghệ Ðiện Biên lựa chọn triển khai thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ngoại. Tham gia mô hình, 1.700 con lợn thương phẩm và hơn 90 con lợn sinh sản của Công ty thường xuyên được Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cùng Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Vì vậy, vật nuôi có khả năng chống chịu bệnh tốt, sinh sản cao, tạo ra đàn lợn thương phẩm có năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, chăn nuôi theo an toàn sinh học không mất nhiều công vệ sinh chuồng trại và không gây ô nhiễm môi trường.

Với những hiệu quả thiết thực về kinh tế, sức khỏe, môi trường và tính bền vững, thời gian qua nhiều mô hình sản xuất sạch, an toàn đã được các hợp tác xã, người sản xuất trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư thực hiện. Song sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Ðặc biệt là các sản phẩm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới còn rất hạn chế; các giống vật nuôi mới có giá thành còn cao... Ðể phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng bền vững, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai các dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, trong đó lựa chọn con giống mới là sản phẩm tiến bộ khoa học kỹ thuật để tổ chức nuôi thử nghiệm cũng như hỗ trợ, triển khai tại trang trại và các hộ gia đình.

Ông Vũ Xuân Linh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục cung cấp hơn 1.700 con gà giống là loại gà lai có sức kháng bệnh tốt, năng suất cao cho người dân. Không chỉ cung cấp về con giống mà thông qua đó cơ quan chuyên môn tích cực cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước làm thay đổi tập quán, cách làm; góp phần tăng năng suất đàn vật nuôi, nâng cao thu nhập và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa.

Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Phát triển theo lợi thế từng vùng, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn. Ðồng thời, cơ cấu lại sản phẩm có chất lượng cao ở những nơi có điều kviện, nhằm bảo vệ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, môi trường sinh thái và nâng cao giá trị các sản phẩm. Hướng tới phát triển các sản phẩm thế mạnh thành sản phẩm OCOP.

Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top