Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay vẫn cao: "Giải mã" nghịch lý

10:02 - Thứ Sáu, 17/11/2023 Lượt xem: 4269 In bài viết

Lãi suất huy động đã giảm sâu, xuống mức kỷ lục trong lịch sử, song lãi suất cho vay lại chưa giảm tương ứng, nhất là với những khoản vay cũ. Lý giải nghịch lý này, đại diện các ngân hàng cho biết, nhiều khoản huy động từ thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 với kỳ hạn dài nên để giảm lãi suất cho vay cần nhiều thời gian hơn.

 
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Mặt bằng lãi suất chưa được như kỳ vọng

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, mức lãi suất cao nhất hiện nay là 6,5%/năm, được một số ngân hàng áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hay 1 năm, chỉ có một vài ngân hàng áp dụng mức lãi suất 6-6,2%/năm (gửi tiền trực tuyến). Lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn được các ngân hàng áp dụng từ 0,1%/năm đến 0,5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng cao nhất trên thị trường hiện nay là 4,6%/năm, chỉ được áp dụng tại một vài ngân hàng, còn hầu hết áp dụng lãi suất trên dưới 3,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm 1 tháng thấp nhất thị trường là 1%/năm. Riêng tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) lãi suất tiết kiệm 1 tháng là 3%/năm; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 2,8%/năm.

Rõ ràng, lãi suất huy động đã giảm sâu, nhiều kỳ hạn ở mức thấp nhất trong lịch sử, song lãi suất cho vay giảm chưa như kỳ vọng, đặc biệt là với những khoản vay cũ. Thực tế này khiến hàng triệu tỷ đồng mà ngân hàng huy động để cho vay vẫn phải “đắp chiếu” vì “ế”. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp. Chưa kể, do hạn chế room tín dụng nên ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay.

Nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho vay với tài sản bảo đảm là bất động sản, không chấp nhận những tài sản khác như cổ phiếu niêm yết, máy móc, thiết bị, quyền tài sản phát sinh từ dự án.

Đại diện nhiều doanh nghiệp khác cũng chỉ ra thực tế lãi suất cho vay giảm khá chậm. Với nhiều khoản vay cũ, doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất phổ biến khoảng 9,5-10%/năm. Còn với nhiều khoản vay mới, thời gian thẩm định, giải ngân quá dài, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nhiều giấy tờ trong hồ sơ vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất những khoản vay cũ để bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất đồ bảo hộ y tế tại Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật TNT (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Đỗ Tâm

Điều hành lãi suất phù hợp với thực tiễn

Chia sẻ về thực tế lãi suất cho vay vẫn cao, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, về cơ bản, hiện ngân hàng trung ương nào cũng phải áp dụng chính sách tiền tệ phù hợp với môi trường, thời điểm và tình hình của thị trường tài chính chứ không chỉ riêng tại Việt Nam.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết định, hành động cụ thể, như giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hay gần đây là bán ra nhiều tín phiếu để điều hòa cung tiền và kiềm chế tỷ giá tăng đột biến. Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành để tác động đến mặt bằng lãi suất. Trên thực tế, lãi suất huy động và cho vay đã giảm. Tuy nhiên, trong khi lãi suất huy động giảm mạnh 3-5%/năm từ đầu năm đến nay, thì lãi suất cho vay giảm ít hơn nhiều.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, với vai trò chủ lực, đã giảm nhanh mức lãi suất cho vay trung bình của tất cả các khoản vay ngắn, trung, dài hạn gồm cả dư nợ cũ, mới. Với Vietcombank, lãi suất trung bình hiện là 5,94%/năm, giảm 1,75% so với cuối năm 2022 và giảm 0,29% so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, với một số khoản cho vay trước đây, khi các ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao thì lãi vay còn đang neo cao. Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, từ nay đến cuối năm 2023, phải giảm lãi suất những khoản vay cũ để bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cho hay, việc điều chỉnh lãi suất phải dựa trên các chỉ số về lạm phát, tỷ giá và hài hòa với chính sách tài khóa. Vì thế, việc điều hành lãi suất phải phù hợp với thực tiễn thế giới và trong nước, đồng thời cân đối được tất cả các biến số kể trên.

----------

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Giải ngân cho vay là vấn đề cần giải quyết ở hiện tại

 

Thời điểm hiện tại, dòng tiền đang đổ vào gửi ngân hàng, vì đây là kênh an toàn nhất với người có tiền. Lãi suất 5-6%/năm cũng chấp nhận được và hầu như không có rủi ro. Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn không cho vay được. Đây là nút thắt, là vấn đề cần giải quyết ở hiện tại.

Bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, không ngân hàng nào thích giữ vốn nhiều, khi phải trả lãi suất mà không thể cho khách hàng vay. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền, “ôm” tiền không cho vay được cũng như nhà sản xuất làm ra hàng hóa mà không bán được, tình thế rất khó khăn.

Lý do của việc không cho vay được đến từ rủi ro của nền kinh tế tăng lên, rủi ro của các khách hàng tăng lên. Thông thường, rủi ro tăng thì ngân hàng phải áp lãi suất cao, trong khi đó Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước muốn hạ lãi suất nên ngân hàng gặp thế khó, bị kìm chân. Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng chấp nhận “ôm vốn chờ thời”, chứ không mở rộng cho vay khi mà khả năng phát sinh tình huống mất vốn ở tương lai tăng cao.

Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Phạm Như Ánh:
Dự kiến quý II-2024 mới có giá vốn thấp

 

Vì sao các ngân hàng huy động bình quân lãi suất đầu vào 4,6%/năm nhưng cho vay khoảng 9%/năm? Thực tế, 9%/năm là lãi suất cho vay trung dài hạn, đòi hỏi nguồn vốn huy động phải dài hạn (trên 24 tháng), bao gồm huy động tiền gửi từ thị trường dân cư, vay tổ chức quốc tế hoặc phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế… với giá vốn bình quân lên tới 6,5-7%/năm. Quy định chỉ cho phép dùng 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Ngoài ra, các ngân hàng còn phải đi vay các tổ chức tín dụng nước ngoài với lãi suất vay USD hiện 7-8%/năm. Giá vốn huy động bình quân là 6,5-7%/năm. Như vậy, ngân hàng cho vay trung dài hạn trong lĩnh vực bất động sản ở mức lãi suất 9-10% về cơ bản là hòa vốn.

Chưa kể, các ngân hàng vẫn còn khó khăn vì các khoản tiết kiệm trung dài hạn trả lãi suất bắt đầu cao từ quý IV năm ngoái, có ngân hàng huy động lúc đó từ 9% đến 10%/năm, dự kiến đến quý II-2024 mới có giá vốn thấp hơn nữa. Tuy vậy, đang có một yếu tố góp phần giúp lãi suất "dễ thở" hơn thời gian tới là tỷ giá hạ nhiệt đáng kể.

GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới:
Lãi suất có thể giảm nữa

 

Lãi suất cho vay chưa giảm kịp theo lãi suất huy động, trong đó lãi suất cho vay bằng tài sản thế chấp bình quân khoảng 8-10%/năm còn tín chấp vẫn trên 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động đã về vùng đáy. Lãi suất cho vay của Việt Nam đang cao nhất thế giới. Theo tôi lãi suất huy động có thể giảm thêm nữa và lãi suất cho vay về mức 6%/năm là hợp lý.

Hiện các ngân hàng vẫn "cố thủ" lãi suất cho vay cao, khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đã bước sang quý IV-2023 nhưng các đơn hàng doanh nghiệp sản xuất mới chỉ tính theo tháng. Thời điểm này, ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp, tiếp tục giảm lãi suất và hỗ trợ cho vay, vừa giúp doanh nghiệp cũng chính là giúp ngân hàng chữa được bệnh “thừa tiền".

Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục các giải pháp duy trì sự cân bằng ổn định tỷ giá và lãi suất. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở. Quá trình này hút tiền, nhằm hút bớt thanh khoản, giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top