Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy triển khai các dự án quan trọng quốc gia

09:40 - Chủ Nhật, 26/11/2023 Lượt xem: 4535 In bài viết

Sáng 25-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ 8 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải.

Dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban Quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.

Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ cao tốc và các đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo tập trung rà soát tình hình, nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu xây dựng thông thường; những vấn đề mới phát sinh; đề xuất các giải pháp thúc đẩy các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới; chuyển mục đích sử dụng đất rừng; áp dụng giá vật liệu xây dựng; việc sắp xếp, chuẩn bị vốn; công tác nghiên cứu, sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp…

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Từ sau Phiên họp lần thứ 7 và tiếp nối các kết quả trước đó, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để xem xét các dự án, giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án. Các bộ, ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ, tiến độ cơ bản đáp ứng được yêu cầu; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3.000 km và đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp đã tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án, trên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”. Đặc biệt là đã khởi công gói thầu nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai; phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan về đất rừng, nguồn vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường… để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Cho rằng vật liệu xây dựng và giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn quyết định tiến độ của dự án, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tập trung thực hiện tốt công tác này. Trong đó, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bố trí nguồn cung bảo đảm tiến độ các dự án trên nguyên tắc vì lợi ích chung.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc triển khai tốt các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải góp phần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược, nhất là về giao thông theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận 64 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 8 về thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công; góp phần tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh; giải quyết các khó khăn về nguyên vật liệu xây dựng thông thường; di dời, giải phóng mặt bằng; tổ chức các giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án; kiểm tra, giám sát việc đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường…

Toàn cảnh Phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục để có thể khai thác các mỏ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31-12-2023; tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” bảo đảm hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2, dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023 và 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trong năm 2024.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành Báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; sớm tham mưu Chính phủ cho phép các tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác; hỗ trợ hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc đàm phán trong thỏa thuận, bồi thường để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay công tác chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích tăng thêm và nằm ngoài phạm vi của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với thành phố Hà Nội rà soát các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến thẩm định dự án thành phần 3 Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Lâm Đồng để thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Mỹ An - Cao Lãnh; sớm có ý kiến về một số nội dung liên quan đến Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành; khẩn trương tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sau khi Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh thời gian thực hiện.

Bộ Tài chính sớm có ý kiến về đánh giá tác động của khoản vay ODA và vay ưu đãi của dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công; sớm hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh gia hạn các khoản vay ODA của các Nhà tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; sớm có ý kiến chính thức đối với phía Nhật Bản về gia hạn Hiệp định vay lần 2 số VN14-P3 cho dự án Bến Lức - Long Thành.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh thủ tục để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nếu có các công trình liên quan phải triển khai nhanh các thủ tục để bàn giao mặt bằng. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo ACV, VEC kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm bàn giao mặt bằng tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương nghiên cứu, mở các nút giao phù hợp, khai thác không gian phát triển mới tại các tuyến cao tốc. Các cơ quan truyền thông nắm sát tình hình, tuyên truyền các mô hình hay, cách làm tốt; phản ánh các bất cập, hạn chế, yếu kém cần khắc phục; tạo đồng thuận chung trong xã hội và góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án.

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai các nội dung, công việc, tiến độ được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo giao.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top