Sản xuất tập trung để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp

09:02 - Thứ Hai, 27/11/2023 Lượt xem: 5959 In bài viết

ĐBP - Nằm ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển, quanh năm bao phủ bởi sương mù, từ lâu huyện Tủa Chùa đã hình thành vùng chè shan tuyết cổ thụ, trong đó nhiều cây tuổi đời vài trăm năm. Đây là giống chè mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ. Trước kia, người dân bản địa chủ yếu thu hái sử dụng trong gia đình. Đến nay, chè shan tuyết đã trở thành đặc sản và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều người dân địa phương.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Cây chè shan tuyết ngày càng mang lại lợi ích cho nông dân 4 xã: Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn. Để phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ trên cơ sở quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền vận động người dân chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến chè. Đặc biệt là việc ươm, trồng mới chè cây cao từ cây chè shan tuyết cổ thụ.

Từ năm 2019, vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, huyện Tủa Chùa đã chú trọng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Ðến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng Dự án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè cây thấp với quy mô hơn 30ha trên địa bàn xã Sính Phình do Công ty TNHH Hương Linh chủ trì liên kết. Dự án cải tạo, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm chè bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ an toàn, tác động kỹ thuật đốn tỉa phù hợp và cam kết thu mua ổn định. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm chè an toàn theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” như: Hỗ trợ bao bì, in tem, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Từ đó, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, đưa cây chè thành cây nông nghiệp mũi nhọn và các sản phẩm chè shan tuyết là sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Tủa Chùa.

Cùng với Tủa Chùa, hiện nay tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp, nông nghiệp như: Lúa gạo tại huyện Điện Biên; vùng cà phê huyện Mường Ảng; vùng mắc ca tại huyện Tuần Giáo; vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà... Từ đó, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Trên địa bàn huyện Mường Nhé, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với diện tích rừng nguyên sinh còn khá lớn và hệ động thực vật phong phú là tài nguyên quý để bảo tồn và xây dựng thành vườn quốc gia. Đây là lợi thế để khai thác, phát triển đa dạng nông nghiệp, chăn nuôi, cây công nghiệp, trồng rừng, du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Tại nhiều địa bàn, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày hướng sản xuất hàng hóa. Với mô hình liên kết này, cơ cấu sản xuất nội ngành từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, giá trị. Từng bước sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đơn cử như việc trồng và chế biến cà phê, tổng diện tích trồng cà phê toàn tỉnh hơn 3.900ha với tổng sản lượng cà phê nhân đạt 7.964 tấn; trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Mường Ảng. Hiện tại chế biến cà phê chủ yếu là sơ chế cà phê nhân để xuất khẩu; một số doanh nghiệp chế biến cà phê bột, phục vụ thị trường trong tỉnh. Hay vùng trồng và chế biến lúa, gạo chất lượng cao tại huyện Điện Biên. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhà máy chế biến gạo tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) với dây chuyền khép kín, công suất xay xát đạt 6.000 tấn lúa/năm (3.000 tấn gạo/năm) và nhiều xưởng xay xát quy mô hộ gia đình. Liên kết sản xuất lúa gạo giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm. Từ đó, nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top