Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 30-11-2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022.
Để có thể đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 13-14%, các ngân hàng thương mại sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc vừa đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, vừa giữ an toàn hệ thống.
Giảm lãi suất không phải là “cây đũa thần”
Hiện lãi suất huy động đã giảm xuống mức “đáy”, kéo lãi suất cho vay về ngưỡng “dễ thở” hơn rất nhiều so với trước đây. Mặc dù, lãi suất cho vay chưa giảm nhanh như lãi suất huy động do có độ trễ, song đại diện các ngân hàng đều khẳng định, lãi suất cho vay đang trên đà giảm sâu để hỗ trợ nền kinh tế. Bài toán đặt ra là cần làm gì để tín dụng được đẩy vào nền kinh tế mà không hạ chuẩn tín dụng?
Thực tế, không chỉ ở thị trường 1 (ngân hàng với doanh nghiệp, người dân), lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Trong một số phiên đầu tháng 12-2023, lãi suất bình quân liên ngân hàng với VND qua đêm giao dịch ở mức rất thấp 0,2%/năm, 1 tuần là 0,34%/năm, 2 tuần 0,57%/năm và 1 tháng 1,09%/năm. Trên kênh cầm cố, phiên ngày 5-12, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,0%/năm nhưng không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. Cũng trong phiên này, có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, có nghĩa Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 5.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 9-11 và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn. Lượng tín phiếu đáo hạn được cho là góp phần hỗ trợ lãi suất liên ngân hàng giảm sâu trong những tuần qua.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng đang dư thừa nguồn vốn nhưng để đẩy nguồn vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có chung nhận định, khác với thời điểm này những năm trước là mùa vụ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn, năm nay lượng lớn nguồn vốn huy động không thể giải ngân. Lãi suất thấp được cho là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có điều kiện vay vốn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu rơi vào cảnh suy thoái. Nhưng lãi suất không phải là “cây đũa thần” giúp doanh nghiệp phục hồi, mà quan trọng hơn là khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Không cho vay bằng mọi giá
Linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cuối tháng 11-2023, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tăng thêm. Cụ thể, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến thời điểm cuối tháng 11-2023 đạt đến 80% chỉ tiêu sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Đồng thời, ưu tiên thêm cho các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên...
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho biết, sau quyết định phân bổ lại tín dụng, TPBank được tăng thêm 5%. Hiện room tín dụng để cho doanh nghiệp và người dân vay rất lớn, do đó, ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Ngân hàng sẽ duy trì các gói vay tập trung vào doanh nghiệp xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, điện lực, nhà thầu xây lắp khu công nghiệp...
Để tiếp tục đẩy nguồn vốn tín dụng ra nền kinh tế, các ngân hàng liên tiếp đưa ra nhiều gói cho vay hỗ trợ lãi suất. Chẳng hạn như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) triển khai nguồn vốn mới tăng tốc sản xuất, kinh doanh 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4-12 tháng đến hết ngày 31-1-2024. Các ngân hàng khác như Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK)... cũng đưa ra nhiều gói cho vay với lãi suất hấp dẫn.
Đại diện các ngân hàng đều chung nhận định, trong bối cảnh hiện nay, giải ngân tín dụng là bài toán khó. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, ngân hàng thừa thanh khoản nên cũng muốn tìm khách hàng. Tuy nhiên, cầu tín dụng khá yếu, nhiều doanh nghiệp còn cơ cấu tài sản, đem tiền gửi ngân hàng. Vấn đề của các ngân hàng bây giờ là quyết tâm làm sao cung ứng vốn đến khách hàng có đủ điều kiện.
Đại diện các ngân hàng khẳng định, cùng với quá trình thúc đẩy tín dụng, mọi khoản vay đều phải đúng chuẩn, hạn chế nợ xấu sau này. Nhiều ngân hàng chạy đôn, chạy đáo để cho vay nhưng không cho vay bằng mọi giá.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, bảo đảm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thời gian tới.
----------
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt rủi ro
Điều hành tăng trưởng tín dụng không dễ dàng vì bản thân nội tại nền kinh tế, nhu cầu vốn đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn ngân hàng.
Tính đến tháng 10-2023, theo báo cáo doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỷ đồng, cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng). Chỉ còn gần 1 tháng nữa kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng. Đây là con số lớn nhưng tín dụng chỉ tăng 9,15% chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn.
Tín dụng của các nước trên thế giới đều tăng chậm, không riêng Việt Nam do tổng cầu giảm. Đối với bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cần thận trọng làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, bảo đảm khả năng chi trả khi người dân rút tiền. Về hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật, dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam Phùng Quang Hưng:
Tối ưu chi phí cho doanh nghiệp từ chính sách tài khóa
Năm 2023, tình hình rất khó khăn. Ví dụ như các khách hàng trong ngành dệt may giảm doanh thu đến 30-40%. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng đã chung tay, tích cực hạ lãi suất, góp phần tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, tính đến tháng 11-2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 13,7%. Ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân cho các doanh nghiệp trong tháng 12 này.
Hiện mặt bằng lãi suất của các nước trên thế giới đều đang rất cao. Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi quản lý được lãi suất, tỷ giá ổn định, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã giảm lãi suất 6 lần, tổng mức giảm trung bình 3-4%/ năm, qua đó giúp tối ưu chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, muốn tối ưu chi phí cho doanh nghiệp vẫn còn có rất nhiều giải pháp từ chính sách tài khóa. Chẳng hạn, các nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí trực tiếp cho các ngành, nghề; đa dạng hóa kênh cấp vốn, chẳng hạn như thị trường trái phiếu cần được quan tâm hơn...
PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS):
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt hai con số
Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức hai con số, song không mang quá nhiều ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi một phần trong đó là do các doanh nghiệp đảo nợ.
Mục tiêu đầu năm đề ra là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,5% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải tương ứng ở khoảng 14%. Đến nay, khả năng tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu chỉ khoảng 5% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải thấp theo, chỉ khoảng 10%-11% là phù hợp. Lãi suất chính sách khó giảm thêm do một số yếu tố như: Lạm phát tổng thể đang đảo chiều, giới hạn về lãi suất thực dương, lãi suất thế giới tiếp tục neo ở mức cao hay các mục tiêu ổn định tỷ giá.
Việc giảm lãi suất cho vay hiện nằm trong tay các ngân hàng thương mại nhưng họ cũng có những khó khăn nhất định. Lãi suất huy động trong giai đoạn trước cao nên các ngân hàng không thể lập tức hạ lãi suất cho vay bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn phải đối diện với rủi ro về nợ xấu.