Thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc đầy sức hấp dẫn với mọi nhà xuất khẩu nhưng không còn dễ tính, theo các doanh nghiệp, gần đây, thị trường Trung Quốc đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho hàng Việt.
Thông tin từ Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ USD năm 2022, gấp hơn 4 lần so với 2014. Hàng Việt sang Trung Quốc hiện gấp gần 2 lần xuất sang Mỹ, 5 lần Nhật Bản. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu sang Trung Quốc có nhiều khởi sắc, đặc biệt từ quý 2 trở đi. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), tăng 5,13%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị nhập khẩu của Việt Nam).
Xuất khẩu nông sản liên tiếp lập kỷ lục
Riêng với nhóm hàng nông sản, có thể thấy năm 2023 là năm "bùng nổ" với nhóm hàng này. Số liệu của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, xuất khẩu nông sản Việt sang đây tăng gần gấp đôi 10 năm qua, từ 3,8 tỷ USD năm 2013 lên 6,8 tỷ USD vào năm ngoái.
10 tháng, Trung Quốc chi hơn 3,2 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, đưa kim ngạch nhập nông sản lên con số kỷ lục, trên 7,5 tỷ USD. Hiện, 14 loại nông sản, trong đó 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) và hơn 2.940 mã sản phẩm làm thực phẩm chế biến cũng được Tổng cục Hải quan phê duyệt để xuất chính ngạch, đem lại doanh thu tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng các FTA song phương cũng như việc hai nước đều tham gia Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Nghị định thư giữa hai nước đã giúp trái cây, rau củ xuất đi tăng vọt. Tới cuối tháng 10, Trung Quốc chi hơn 7,5 tỷ USD nhập nông sản từ Việt Nam, trong đó rau quả góp 43%.
Với dân số 1,411 tỷ người, Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản.
Đơn cử với mặt hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,7% lượng hàng xuất ra nước ngoài; xuất khẩu vải thiều chiếm 90%; xuất khẩu thanh long chiếm hơn 80%... với mặt hàng sắn, thị trường này cũng chiếm tới 91,47% tỷ trọng xuất khẩu; với cao su là 71% và Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Những lợi thế về quy mô thị trường, xu hướng tiêu dùng, vị trí địa lý của thị trường Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là đã rõ, nhưng để tận dụng được các lợi thế đó thì không hề đơn giản.
Thói quen kinh doanh của không ít doanh nghiệp và người nông dân trong nhiều năm qua là “có gì bán nấy”, ưa chuộng phương thức xuất khẩu tiểu ngạch, làm việc qua các thương lái… nên không có sự chủ động và chiến lược dài hạn, dễ lúng túng trước những quy định mới của nước nhập khẩu.
Có thời điểm, hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phải nằm chờ ở cửa khẩu do phía bạn sửa đổi luật An toàn thực phẩm và các quy định về nhập khẩu hàng hóa; Thủ tục nhập khẩu cũng được quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác…
Tiêu chuẩn ngày càng cao
Thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc đầy sức hấp dẫn với mọi nhà xuất khẩu nhưng không còn dễ tính, theo các doanh nghiệp, gần đây, thị trường Trung Quốc đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho hàng Việt.
Đầu năm 2022, hàng nghìn xe container nông sản ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc khi Trung Quốc siết các biện pháp kiểm dịch hàng hóa. Gần đây, tôm hùm bông Việt Nam bị ngưng xuất sang nước này do các quy định mới về chất lượng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc.
"Hàng chất lượng thấp đang dần không còn "cửa". Trung Quốc kiểm soát chặt từ thuốc bảo vệ thực vật tới kích cỡ, trọng lượng không thua kém gì Nhật, nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường này cần nâng cao chất lượng. Sau một thời gian xuất hàng chính ngạch, hàng bán vào các đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh phải đạt tiêu chuẩn ngang thế giới", đại diện Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức về việc điều chỉnh chính sách của quốc gia này: Luật An toàn thực phẩm được sửa đổi 2 lần, ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", tạo nên áp lực “chuẩn hóa” cho nông sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt quản lý nông thủy sản nhập khẩu khi chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu…
Khơi thông dòng chảy thương mại Việt-Trung
Tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc diễn ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thương mại biên giới Việt Nam- Trung Quốc.
Đó là, trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu…
Để khơi thông dòng chảy thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2023, Bộ Công Thương - với vai trò là đầu mối thúc đẩy thương mại của cả nước đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới.
Cụ thể, cuối tháng 5 đầu tháng 6/2023, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trện địa bàn tỉnh Lạng Sơn có dấu hiệu ùn ứ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Dư Kiến Hoa để chủ động thúc đẩy phía Trung Quốc phối hợp tạo thuận lợi thông quan, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thiết lập luồng xanh ưu tiên thông quan cho trái cây, định hướng doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa cửa khẩu biên giới giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc (Đại sứ quán, hải quan), chỉ đạo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây thúc đẩy cơ quan chức năng cửa khẩu phía Trung Quốc.
Vào tháng 8/2023, tham gia đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu làm việc tại Lạng Sơn, thăm và làm việc tại cửa khẩu Hữu Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, một trong những nội dung được Bộ trưởng đề cập là tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước.
Cùng với những giải pháp gỡ khó trực tiếp cho xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan điều kiện thuận lợi cấp giấy chứng nhận C/O cho các doanh nghiệp đổi cửa khẩu xuất khẩu.
Đồng thời, Bộ đã có công văn số 409/XNK-TMQT gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đề nghị chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thông quan để hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất.
Hiểu thị trường để xuất khẩu bền vững
Không dừng lại ở những giải pháp tháo gỡ mang tính thời điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương liên tục yêu cầu các đơn vị liên quan đưa ra lưu ý và cũng như phương hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp, ngành hàng.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi bày tỏ: Quan điểm khai thác thị trường Trung Quốc phải thay đổi, đây là một thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe, nên doanh nghiệp phải giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch". Cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang thương mại chính quy, cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao.
Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Từ ngày 1/1/2025, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong tổ chức sản xuất cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất/nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.
Về quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, VIETGAP, HACCP.
Liên quan tới vấn đề tháo gỡ rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật; xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.
Đối với các doanh nghiệp, phải nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu; tận dụng tuyến đường sắt liên vận Việt Nam- Trung Quốc.
Một trong những nội dung được Bộ Công Thương đề cập là việc tăng cường tiếp cận vùng. Bên cạnh thị trường truyền thống như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây thì doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý tới thị trường tiềm năng miền Tây, miền Đông và Tây Nam Trung Quốc.