Ngành công nghiệp nỗ lực vượt khó

09:20 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 4524 In bài viết

2023 là năm đỉnh điểm khó khăn từ những tác động của kinh tế thế giới, song nhìn chung, sản xuất công nghiệp cả nước đang dần phục hồi và có tăng trưởng dù ở mức thấp. Đây là tín hiệu tích cực để năm 2024 các ngành sản xuất hướng tới những mục tiêu cao hơn. Bộ Công Thương cho hay sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường… Phấn đấu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang rà soát, nghiên cứu, kiến nghị tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành

 

Sản xuất phục hồi chậm

Nhìn lại năm 2023 có thể thấy, trong tình hình chung hết sức khó khăn, sản xuất công nghiệp đã xoay chiều từ suy giảm sang tăng trưởng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngay từ đầu năm 2023, năng lực sản xuất đã có dấu hiệu suy yếu do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao… Kết thúc quý I-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, bức tranh sản xuất công nghiệp càng về cuối năm càng sáng màu. Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp cả năm 2023 ước tăng 2,3% so với năm 2022. Đây là mức rất đáng ghi nhận. Trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo là điểm sáng khi phục hồi tích cực và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Giá trị gia tăng ngành Công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, sản xuất công nghiệp năm 2023 phục hồi chậm; các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; chi phí đầu vào, vốn... còn cao; mức độ tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt; mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế.

Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không còn duy trì được vai trò là động lực chính của tăng trưởng như các năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo năm 2023 có mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp và sản lượng sản xuất của nhiều ngành công nghiệp quan trọng như: Ô tô, xe máy, thép, điện tử, điện thoại di động, dệt may… đều giảm so với năm 2022. Thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải cũng cho thấy, năm 2023, doanh số ô tô bán ra của doanh nghiệp đạt hơn 96.500 xe các loại, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, doanh thu lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp ước đạt gần 8.700 tỷ đồng, giảm 20%; doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75%. Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 40,3 tỷ USD, thấp hơn gần 10% so với năm 2022...

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, năm 2024, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu hồi phục chậm. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn chậm hồi phục; thị trường bất động sản suy giảm tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất có liên quan. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tổ chức liên quan.

At3 Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Tâm Hợp (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, hiệp hội đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Do đó, hiệp hội sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu, kiến nghị tháo gỡ những rào cản trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp như về vấn đề lao động, tiền lương, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành… Đồng thời, hiệp hội làm tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi cung ứng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường chuyển đổi số, sản xuất xanh, tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng…

Còn Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải dự kiến năm 2024 sản xuất 112.500 xe các loại; lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, dự kiến doanh thu đạt hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu là 250 triệu USD. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải Phạm Văn Tài kiến nghị xem xét bổ sung các dòng xe điện hybrid vào “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, ưu đãi đầu tư để thúc đẩy sản xuất, sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường. “Bộ Công Thương cần đề xuất Chính phủ, kiến nghị đưa Luật Công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng luật năm 2024, tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ”, ông Phạm Văn Tài nêu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với các ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư; trong đó chú trọng những dự án lớn, có vai trò thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... để sớm đưa vào vận hành, góp phần gia tăng năng lực sản xuất mới. Bộ cũng sẽ cùng các ngành, địa phương kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển. Đặc biệt, Bộ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường… Phấn đấu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung:

 

Doanh nghiệp nên trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh xu hướng phòng vệ thương mại ngày càng phức tạp ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản để hiểu được quyền và nghĩa vụ trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Cùng với đó, cần cân nhắc việc chủ động tham gia, chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trang bị, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp, tập trung vào những ngành hàng, lĩnh vực có nguy cơ cao. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin thêm nhiều thị trường có thể xuất hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó, chúng tôi sẽ theo dõi sát quy trình, hoạt động điều tra của thị trường nước ngoài, bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam…

 

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất:

Cần có chiến lược phát triển cho công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, nhựa, cao su, hóa chất. Năm 2023, trong bối cảnh chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành gặp nhiều khó khăn, khiến doanh thu bình quân giảm khoảng 40%.

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành là đang vay vốn với lãi suất ở mức 10-12% trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc và nước khác vay vốn với lãi suất chỉ 2%. Mặt khác doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ, phải mua vật tư nhỏ lẻ nên giá cao, trong khi doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn thường mua vật tư với số lượng lớn nên có giá thấp. Bởi vậy, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương mở rộng xúc tiến thị trường, có chính sách tạo liên kết sản xuất lớn, hướng tới làm các cụm chi tiết, thay vì từng chi tiết, để giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Chủ động lên kịch bản cho tăng trưởng

Sản xuất công nghiệp có xu hướng khởi sắc trong giai đoạn cuối năm 2023 cho thấy những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm thị trường mới; linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, mở rộng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh sản phẩm cũ, thị trường cũ bị hạn chế đầu ra. Đây cũng là kết quả quá trình nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Thời gian tới, chúng ta cần chủ động dự báo và lên các kịch bản cho sản xuất và tăng trưởng của các ngành, nhất là ngành Công nghiệp; đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào một số tập đoàn lớn; tập trung phát triển các ngành, các thị trường mới. Cùng với đó, nên đẩy mạnh công nghiệp chế biến cho nông nghiệp, coi đây là ngành công nghiệp hàng đầu để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, giảm bớt tình trạng được mùa mất giá, đồng thời tạo nhiều việc làm...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top