ĐBP - Chiều nay (26/12), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Điện Biên tổ chức hội nghị triển khai công tác quyết toán ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2023 với sự tham dự của đại diện các ngân hàng thương mại.
Trên địa bàn tỉnh có 9 chi nhánh ngân hàng cấp 1 đang hoạt động, trong đó: 3 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank); 5 ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh (Bưu điện Liên Việt, An Bình, Phát triển TP. Hồ Chí Minh, Quân đội, Bắc Á) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Agribank có 9 chi nhánh ngân hàng cấp 2 với 34 phòng giao dịch; Ngân hàng CSXH có 129 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn.
Tính đến 30/11/2023, trên địa bàn tỉnh có 38 máy ATM (trong đó có 5 máy gửi, rút tiền tự động) và 185 POS (tăng 46 máy so với tháng trước và tăng 53 máy so với cùng kỳ năm 2022) được lắp đặt tại các huyện, thị, thành phố. Hệ thống ATM được bố trí lắp đặt hợp lý, được tiếp quỹ thường xuyên, đáp ứng nhu cầu rút tiền và chuyển tiền; thường xuyên được giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn.
Đến ngày 22/12/2023, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt trên 17 nghìn tỷ đồng; tăng trên 10% so với cuối năm 2022, vượt kế hoạch đề ra đầu năm (8%). Các ngân hàng đều tăng về nguồn vốn huy động mặc dù lãi suất huy động giảm (Vietinbank tăng 19,7%; Bưu điện Liên Việt tăng 10,35%; Agribank tăng 5,78%; BIDV tăng 1,57%), chỉ có Ngân hàng TMCP An Bình có nguồn vốn huy động tăng trưởng âm (-24,57%).
Các ngân hàng thương mại thực hiện tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến 30/11/2023 tổng dư nợ lũy kế của các ngân hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là trên 519 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 433,8 tỷ đồng và nợ lãi 85,3 tỷ đồng) với 193 khách hàng, dư nợ hiện hữu đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 2,5 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh lũy kế từ ngày 23/01/2020 là trên 12.143 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hiện hữu tính tại thời điểm báo cáo là trên 175 tỷ đồng với 111 khách hàng; chiếm 0,87% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn nhấn mạnh năm 2024 là năm bản lề thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện thành công kế hoạch năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng quyết định đến việc thực hiện mục tiêu của cả giai đoạn 2021- 2025. Do đó, NHNN Việt Nam Chi nhánh Điện Biên cần bám sát vào sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh để cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch của ngành. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh về các giải pháp chỉ đạo điều hành trong việc chấp hành và triển khai thực hiện các chính sách tiền tệ, áp dụng lãi suất theo hướng chủ động, linh hoạt. Phấn đấu tổng dư nợ tín dụng tăng từ 5-7% trở lên so với năm 2023, khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ. Làm tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc triển khai, giám sát thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó tạo thêm nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế trên địa bàn.