Nhìn từ biến động thị trường vàng: Thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới

10:51 - Thứ Bảy, 30/12/2023 Lượt xem: 5559 In bài viết

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường vàng biến động mạnh trong những ngày qua không chỉ do yếu tố tâm lý của người tiêu dùng. Nếu không có giải pháp căn cơ điều hành thị trường vàng, sự giảm nhiệt sẽ chỉ là tạm thời.

Tăng mạnh, giảm sốc

Đang neo ở mức kỷ lục - hơn 80 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước 2 ngày qua giảm “sốc” sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng.

Theo đó, sau khi giảm hơn 5 triệu đồng/lượng ngày hôm trước, giá vàng SJC tiếp tục giảm trong ngày 29-12. Vào khoảng 14 giờ, tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TPHCM) niêm yết giá 73 triệu đồng/lượng mua vào và 76 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng chiều mua và 1,3 triệu đồng chiều bán so với cuối giờ chiều hôm trước. Như vậy, nếu mua vàng SJC ở vùng đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng, người mua vàng đang lỗ khoảng 8 triệu đồng/lượng.

Giao dịch vàng miếng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Tại phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), nơi được ví là “thủ phủ” cửa hàng vàng của TP Hà Nội, giá vàng được Bảo Tín Minh Châu niêm yết sáng 29-12 ở mức 74 triệu đồng/lượng, giảm 3,5 triệu đồng/lượng so với trước đó một ngày. So với những ngày trước đó, lượng khách đến giao dịch cũng ít hơn hẳn. Tương tự, cửa hàng của Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC ở mức 70 triệu đồng/ lượng mua vào và 74 triệu đồng/lượng bán ra; giảm 8,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 5,8 triệu đồng/ lượng ở chiều bán ra so với sáng 28-12.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, từ sau khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực đến nay, NHNN không nhập thêm vàng SJC và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC cũng không được dập thêm vàng mới mà chỉ gia công một số vàng bị móp méo. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước cho nhập vàng nguyên liệu về sản xuất vàng nhẫn, nữ trang để có thể làm giảm nhu cầu vàng miếng.

Cần biện pháp cụ thể

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng, hiện giá vàng trong nước chênh lệch so với giá thế giới ở mức vô lý (có thời điểm vàng SJC cao hơn 18-20 triệu đồng). Tuy nhiên,việc giá vàng SJC giảm nhiệt trong 2 ngày qua cũng không bất ngờ, vì giá vàng miếng SJC tăng phi mã thời gian qua phần lớn do yếu tố tâm lý từ thị trường. Theo ông Khánh, về lâu dài, NHNN cần có giải pháp tăng nguồn cung vàng cho thị trường nhằm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, khi nền kinh tế thế giới biến động, tâm lý của các nhà đầu tư và người dân là tích trữ vàng. Giá vàng trong nước tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào sự biến động của vàng thế giới, tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước và độ hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất tiền gửi ngân hàng, bất động sản. Dẫu vậy, đây vẫn là lĩnh vực đầu tư đầy may rủi, người dân cần hết sức thận trọng nếu không có đủ thông tin về thị trường.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), nhận định, giá vàng biến động chủ yếu do 2 yếu tố. Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ tạm dừng tăng lãi suất và dự kiến sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024, điều này khiến đồng USD không bị đẩy giá cao, dẫn tới giá vàng có thể tăng nhanh hơn so với đồng tiền này. Cùng đó, những khó khăn của thị trường chứng khoán cũng như nhu cầu về dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới và khu vực châu Á gây nên sự khan hiếm tạm thời nguồn cung. Thứ hai, ở trong nước, NHNN hạ lãi suất tiết kiệm và thị trường bất động sản vẫn trầm lắng nên các nhà đầu tư chọn vàng làm nơi “trú ẩn”. Đây là những yếu tố chính tác động lên giá vàng dẫn đến những biến động về giá trong thời gian qua.

Giao dịch vàng miếng tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC (quận 3, TPHCM). 

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, giá vàng trong nước đã liên tục lập đỉnh trong thời gian ngắn nên tâm lý tích trữ vàng trở nên phổ biến đối với nhiều người, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, không có khả năng tiếp cận các kênh đầu tư đòi hỏi có lượng vốn lớn và kiến thức chuyên ngành như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Vì lo ngại giá vàng có thể tiếp tục tăng nên nhiều người đã chấp nhận mua vàng giá rất cao. Khi Thủ tướng đã có chỉ đạo, nhà đầu tư cảm thấy bớt nôn nóng, thị trường vàng giảm nhiệt. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp tích cực cụ thể, sự giảm nhiệt sẽ chỉ là tạm thời.

TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính:

3 vấn đề bất cập đang tồn tại với giá và thị trường vàng

Biến động giá vàng bây giờ cần phải xác định rõ mục tiêu chính sách là gì. Điều quan trọng lúc này là Chính phủ và NHNN muốn mục tiêu như thế nào đối với thị trường vàng Việt Nam, đến lúc ấy mới có chính sách thực sự hiệu quả đối với vấn đề này.

Hiện nay, theo tôi hiểu là có 3 vấn đề bất cập đang tồn tại với giá vàng và thị trường vàng hiện nay. Thứ nhất, đó là biện pháp quản lý đối với thị trường vàng đưa ra nhưng lại chưa thực sự sát với thực tế và chưa rõ mục tiêu để làm gì. Thứ hai, để quản lý thì cần phải xác lập lại vai trò của vàng và thị trường vàng trong nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, điều này rất quan trọng, đó là phải phân biệt rất rõ về phân loại vàng. Theo tôi được biết hiện nay trên thị trường có 3 đến 4 loại vàng. Loại 1 là vàng SJC do Nhà nước độc quyền, loại 2 là loại nhẫn trơn, loại 3 là vàng 9999 xuất hiện gần đây của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, loại thứ 4 là vàng trang sức. Trong 4 loại vàng trên thì 2 loại vàng trơn và vàng 9999 về thực chất đều là một dạng vàng SJC trá hình để “lách” khỏi sự quản lý của Nhà nước. Sự chênh lệch về giá vàng hiện nay, cụ thể là loại vàng trơn không chênh lệch nhiều so với giá thế giới, mà chỉ có vàng SJC do Nhà nước quản lý và độc quyền mới chênh lệch nhiều so với giá thế giới, thậm chí mức chênh lệch có lúc lên đến hơn chục triệu đồng mỗi lượng.

Thực tế, đang có sự mâu thuẫn là bản chất của Nghị định 24 của Chính phủ ban hành trước đó về kinh doanh vàng muốn tách rời vàng SJC ra khỏi thị trường vàng thế giới, nên sự chênh lệch đó sẽ không có vấn đề gì cả. Nhưng bây giờ lại nêu ý kiến đề xuất là không được để chênh lệch, rút ngắn lại chênh lệch thị trường trong nước và thế giới thì vô hình chung là lại xóa đi mục tiêu ban đầu của Nghị định 24. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, vàng SJC là một loại rất riêng biệt, nên không thể đưa SJC vào “một giỏ” với giá vàng hiện nay được, mà phải tách biệt ra.

Tóm lại, vấn đề là hiện nay chúng ta muốn xác lập mục tiêu cho thị trường vàng ở Việt Nam là gì, khi đã rõ mục tiêu thì lúc ấy mới có giải pháp cụ thể để thực hiện.

Dự báo giá vàng khoảng 59 triệu đồng/lượng trong năm 2024

Theo trang mạng FXS, giá vàng ngày 29-12 dao động quanh mức 2.065 USD/ounce (khoảng 61 triệu đồng/lượng), giảm so với mức 2.088 USD/ounce (61,5 triệu đồng/lượng) trong đầu phiên giao dịch cùng ngày tại châu Á. Sự hồi phục của đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã khiến giá vàng đi xuống.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng được dự báo sẽ được duy trì ở mức trên 2.000 USD/ounce (khoảng 59 triệu đồng/lượng) trong cả năm 2024. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, những kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất là những yếu tố giữ cho giá vàng tăng trên mức 2.000 USD/ounce. Rania Gule, nhà phân tích thị trường tại XS.com, nhận định mức giá 2.000 USD/ounce dường như là một mức đặt cược an toàn trong ngắn hạn. “Triển vọng tăng giá dài hạn của vàng phụ thuộc vào một số động lực, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, rủi ro kinh tế, chính trị và địa chính trị vẫn sẽ mức cao vào năm 2024, khiến vàng trở thành nơi trú ẩn cho các nhà đầu tư”, Rania Gule cho biết.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top