Vấn đề kỳ này
ĐBP - Với cánh đồng Mường Thanh diện tích hơn 4.000ha, canh tác 2 vụ lúa tạo ra sản phẩm gạo Điện Biên nổi tiếng dẻo thơm, dần khẳng định thương hiệu trên thị trường lúa gạo cả nước. Không chỉ có gạo thơm ngon, Điện Biên có tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản, rau củ quả khác có thể phát triển thành đặc sản, như các loại rau vùng lòng chảo, quả mắc ca, chè, cà phê... Khó khăn hiện nay với nông sản Điện Biên là khâu tiêu thụ khi chưa có những vùng sản xuất tập trung chuyên canh, chưa xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất - tiêu thụ chưa nhiều và thiếu chặt chẽ.
Để nông sản Điện Biên vươn xa cần quy hoạch vùng trồng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất xanh, sạch và doanh nghiệp, hợp tác xã cần “bắt tay” nông dân trong kết nối, tiêu thụ nông sản.
Trong năm 2023, Điện Biên đã tích cực tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản tới nhiều địa phương, sự kiện với mong muốn nhiều người biết tới nông sản Điện Biên. Đây cũng là một kênh tiêu thụ, tìm kiếm thị trường cho nông sản vươn xa. Tuy nhiên khai thác thế mạnh nông sản, Điện Biên cần giải pháp lâu dài, bền vững từ việc hình thành vùng sản xuất, quy trình gieo trồng, chăm sóc, chế biến cho tới tiêu thụ.
Sở hữu cánh đồng rộng nhất khu vực Tây Bắc, gạo Điện Biên nức tiếng thơm ngon, đã vươn xa tới nhiều tỉnh, thành. Không ít du khách khi tới Điện Biên lựa chọn gạo làm quà cho người thân, bạn bè. Trong Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Tây Bắc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 12 vừa qua, khu vực trưng bày, giới thiệu một số nông sản, sản phẩm OCOP của Điện Biên thu hút khá đông du khách tham quan, thưởng thức. Một số nông sản như gạo tám thơm, séng cù Trường Hương, cà phê Mường Ảng, cà phê Hồng Kỳ, măng khô, miến... được đông đảo du khách tìm hiểu, mua dùng. Trong đó, sản phẩm gạo tám thơm, séng cù của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Trường Hương mới ngày thứ ba của tuần lễ đã hết hàng phải vận chuyển gấp từ Điện Biên vào trưng bày, giới thiệu. Người dân thành phố mang tên Bác thích thú với sản phẩm gạo mang từ Điện Biên vào nên muốn tìm hiểu, dùng thử loại gạo “nguyên chất” không pha trộn. Bởi thực tế, gạo Điện Biên đã bị pha tạp, trộn lẫn bán ở vài địa phương khiến không ít người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng gạo của Điện Biên. Ngoài gạo, cà phê Arabica Mường Ảng trồng tại thung lũng Mường Khoe nơi quanh năm sương mù bao phủ đã tạo nên hương vị cà phê đặc trưng không phải nơi nào cũng có. Cà phê Mường Ảng đã tham gia giới thiệu, quảng bá tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), lễ hội cà phê Sơn La và phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Thưởng thức cà phê Mường Ảng không ít người ngạc nhiên bởi hương vị đặc biệt, vị ngọt sâu, chua dịu. Thông qua việc tham gia các lễ hội, sự kiện là cơ hội tốt để cà phê Mường Ảng khẳng định thương hiệu, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn loại cà phê ở đất Mường Khoe. Theo các chuyên gia nông nghiệp, để tăng giá trị cà phê Mường Ảng, ngoài việc trồng giống tốt, chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật còn cần chế biến đúng cách. Tuy nhiên “rào cản” khiến cà phê Mường Ảng chưa vươn xa bởi chưa xây dựng được thương hiệu, chưa hoàn thành đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thêm vào đó, việc chế biến cà phê chủ yếu là sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Có thể khẳng định, nông sản Điện Biên không chỉ có gạo, cà phê mà chè shan tuyết ở Tủa Chùa, quả mắc ca Tuần Giáo, các loại rau xanh vùng lòng chảo cũng là những nông sản được nhiều người biết tới, khẳng định chất lượng. Song việc hình thành vùng sản xuất tập trung, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu vẫn là khâu yếu và khó của nông sản Điện Biên. Những hạn chế này đã được chỉ ra, đề xuất giải pháp khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Tuy nhiên, sự hạn chế về chính sách hỗ trợ, khó khăn về vận chuyển sản phẩm, nông dân thực hiện chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chế biến… nên nông sản Điện Biên chưa thể vươn xa, phát triển bền vững.
Khai thác thế mạnh nông sản, Điện Biên cần quy hoạch vùng trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với từng loại cây trồng như gạo cánh đồng Mường Thanh, cà phê Mường Ảng, mắc ca Tuần Giáo, chè Tủa Chùa... Xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho từng loại nông sản; nông dân tham gia tập huấn, tuân thủ quy trình chăm sóc cây trồng; doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết chặt chẽ với nông dân trong cung ứng giống, giám sát chăm sóc, chế biến và kết nối tiêu thụ nông sản. Khi tất cả tạo thành guồng sản xuất nhịp nhàng, nông sản Điện Biên sẽ khẳng định chất lượng, tự tin vươn xa, tiếp cận người tiêu dùng cả nước.