ĐBP - TP. Điện Biên Phủ - thành phố trẻ ở cực Tây Tổ quốc đang nỗ lực không ngừng để “thay da, đổi thịt”. Từ các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội đến đầu tư, kiến thiết cơ sở hạ tầng đều có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình mới mọc lên, diện mạo đô thị ngày càng khang trang hiện đại, cho thấy sức vươn của một thành phố trẻ, xứng đáng là trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh nhà…
Những năm qua, TP. Điện Biên Phủ đã vừa tập trung điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung, vừa đẩy mạnh kêu gọi thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025. Như tuyến đường 7/5 (Đường 60m và Hạ tầng kỹ thuật khung) được TP. Điện Biên Phủ quy hoạch, đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đã gần 2 năm. Con đường hoàn thành không những là tiền đề quan trọng để tỉnh Điện Biên triển khai các dự án khu đô thị mới, mà còn góp phần tô thêm vẻ đẹp của thành phố và mang vóc dáng của một đô thị văn minh, hiện đại. Thêm một tuyến khác là đường từ cầu A1 - cầu C4, cũng được thành phố quy hoạch đầu tư xây dựng thuộc Chương trình Phát triển đô thị miền núi phía Bắc. Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sở tại; đồng thời tạo diện mạo mới cho thành phố nói chung, khu đô thị ven sông Nậm Rốm nói riêng.
Thực hiện công tác quy hoạch, TP. Điện Biên Phủ cũng đã chủ động xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ chương trình phát triển đô thị đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện các công trình dự án lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. Trong đó phải nói đến các Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; Dự án Trung tâm thương mại và Nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ và nhiều dự án quan trọng khác... đánh dấu sự phát triển trong công tác quy hoạch và thu hút đầu tư và là minh chứng cho khát vọng phát triển của TP. Điện Biên Phủ trong những năm tới.
Để phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025, thành phố đang tổ chức lập quy hoạch chung theo địa giới hành chính mới, nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 408, ngày 18/4/2023. Đây được xác định là đồ án rất quan trọng, không những đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh mà còn là trung tâm đô thị du lịch quốc gia đã được định hướng trong Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung trong giai đoạn mới.
Không chỉ đẩy mạnh phát triển trong khu vực trung tâm, các xã vùng ngoài cũng đang nỗ lực vươn mình để bắt kịp tốc độ ngày càng nhanh của TP. Điện Biên Phủ. Trong 4 xã vùng ngoài hiện nay, quê hương cách mạng Mường Phăng là địa bàn có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đến Mường Phăng hôm nay, có thể nhận thấy diện mạo vùng căn cứ địa cách mạng đang đổi thay từng ngày với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước. Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Tuyến đường chính vào xã đều đã được nhựa hóa, giúp cho việc di chuyển của nhân dân và du khách thuận lợi hơn. Cơ cấu kinh tế của xã cũng có nhiều chuyển dịch mạnh mẽ, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có khoảng 520ha lúa 2 vụ, hơn 100ha nuôi trồng thủy sản, 42ha cây ăn quả... Ngoài ra, xã cũng tập trung chuyển đổi cây trồng vật nuôi, hướng đi sao cho trúng và đúng. Xã đang tập trung làm mô hình như trồng dâu tây, nho không hạt… Các mô hình này nếu được nhân rộng thì thu nhập từ thị trường rau củ quả sẽ được nhân lên”.
Không những thế, Mường Phăng có lợi thế là mảnh đất lịch sử gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời cũng là nơi bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Chính vì vậy, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, du lịch được xác định là thế mạnh. Cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng đã quan tâm, khuyến khích các hộ gia đình có tiềm năng đầu tư vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thu hút khách đến trải nghiệm và tham quan, góp phần đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ một hộ làm kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản Che Căn, hiện nay đã có thêm một vài hộ gia đình khác tích cực tham gia. Tại khu vực Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà hàng, quán ăn, kinh doanh đặc sản địa phương mọc lên san sát, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ - du lịch tại Mường Phăng.
Trong năm 2023, dù còn nhiều khó khăn, thách thức do lịch sử quản lý đất đai để lại nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc TP. Điện Biên Phủ vẫn cho thấy được sức vươn của một thành phố trẻ. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 21.086,84 tỷ đồng, tăng 3.698,96 tỷ đồng so với năm 2022. Thu nhập bình quân tăng 4 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục có bước phát triển mạnh, có mức tăng trưởng cao, trong đó: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ năm 2023 trên địa bàn thành phố đạt 110,05% kế hoạch năm, tăng 23,26% so với năm 2022. Lượng khách đến tham quan du lịch và làm việc đạt trên 700 nghìn lượt, tăng 311,5 nghìn lượt so với năm 2022, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.225 tỷ đồng. Thành phố cũng kịp thời triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo nhiều chuyển biến tích cực giúp cho tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,48% xuống 0,09%. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị kinh tế từng bước được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, nhiều công trình, dự án xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tạo hiệu quả kinh tế và từng bước thay đổi bộ mặt đô thị, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ…