Điện Biên nâng tầm ngành hàng lúa gạo

09:13 - Thứ Ba, 09/01/2024 Lượt xem: 9932 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao giá trị lúa gạo xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, chính quyền các cấp, ngành chuyên môn tỉnh Điện Biên đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý

Nằm trong vùng lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh lớn nhất vùng Tây Bắc có chiều dài trên 20km, chiều rộng trung bình 6km, tổng diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ hơn 4.000ha. Gạo Điện Biên được người dân cả nước biết đến, đặc biệt với 2 loại gạo: IR64 và gạo Bắc thơm số 7 được sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh. Đây là 2 giống lúa chọn lọc từ tập đoàn giống nhập nội, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức tại Việt Nam vào các năm 1986 và 1998.

Thực tế, suốt từ năm 1986 đến nay đã có hàng chục giống lúa được đưa vào trồng thử nghiệm trên cánh đồng Mường Thanh song chỉ có 2 giống lúa này được người dân gieo trồng ổn định về diện tích bởi đặc tính giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng mang lại chất lượng hạt gạo tốt. Năm 2014, sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR 64 đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên.

Từ năm 2015 đến nay, một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo được huyện Điện Biên triển khai, đạt kết quả tích cực. Điển hình là “mô hình một giống” đã giảm hẳn lúa tạp, nâng cao chất lượng gạo. Tham gia mô hình, người dân áp dụng đồng loạt biện pháp kỹ thuật trên toàn diện tích ngay từ đầu vụ như: Cấy tập trung bằng máy, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật... Tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại giảm tới gần 90% so với diện tích ngoài mô hình; cây lúa sinh trưởng đều, trổ bông tập trung.

Xác định lúa là loại cây trồng chủ lực, huyện Điện Biên đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển toàn diện như: Sắp xếp, kiện toàn lại các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thực hiện tốt các khâu cung ứng dịch vụ và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân đầu tư sản xuất. Quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; tổ chức lại sản xuất; chú trọng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống, thâm canh, đến phòng trừ dịch bệnh. Ngoài séng cù và bắc thơm số7, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu đã được đưa vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị, thương hiệu gạo Điện Biên đã được khẳng định và ngày càng phát triển.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Thực tế, như nhiều tỉnh khác trong khu vực miền núi phía Bắc, sản xuất lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; phương thức sản xuất nhỏ lẻ... Đa số sản phẩm gặp nhiều khó khăn về xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.

Tại Quyết định số 3340, ngày 25/9/2014 của Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên chỉ dùng cho 2 sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR 64. Song hiện nay, trên thị trường nhãn hiệu “Gạo Điện Biên” lại đang sử dụng cho rất nhiều loại gạo khác nhau như: Hương Việt, séng cù, tẻ dâu hay nếp nương. Vi phạm chỉ dẫn địa lý đã và đang khiến sản phẩm gạo Điện Biên bị giảm uy tín trên thị trường cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của cả người sản xuất và kinh doanh sản phẩm.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên thực hiện hỗ trợ lồng ghép thông qua các chính sách hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, khuyến công của trung ương và tỉnh. UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm để tổ chức xúc tiến thương mại, thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến từ lúa gạo tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đơn cử như các hội chợ thương mại biên giới chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; các hội chợ thương mại tại: Cần Thơ, Đà Nẵng, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Huế... Nhiều sản phẩm lúa gạo của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp mặt tại hội chợ ở nước bạn Lào như: Hội chợ thương mại tại các tỉnh Luông Pha Băng, Phoong Sa Ly, U Đôm Xay.

Thông qua chính sách hỗ trợ thương mại điện tử đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Riêng giai đoạn 2018 - 2022 hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng 15 website thương mại điện tử; 3 phần mềm quản lý bán hàng Shop.One; 5 hệ thống email, fanpage trên facebook; 8 bộ phần mềm hóa đơn điện tử + chứng thư số server; 5 hệ thống email và fanpage; 10 chứng thư số trên USB token; 15 bộ giải pháp quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ đưa sản phẩm lên phân phối, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín. Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên đã đưa sản phẩm gạo Tâm Sáng vào chuỗi siêu thị của Winmart; Công ty Trường Hương đưa sản phẩm Hương Việt 3  vào chuỗi thực phẩm sạch Bắc Tôm và Sói Biển...

Thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục chú trọng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ công nghệ tiên tiến trong chế biến nâng cao giá trị gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo. Hỗ trợ thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top