Gỡ khó nuôi thủy sản trên hồ thủy lợi, thủy điện

14:51 - Thứ Sáu, 19/01/2024 Lượt xem: 4922 In bài viết

ĐBP - Tiềm năng phát triển nuôi thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh là rất lớn, song chưa khai thác phát huy được nhiều. Có nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, như: Chưa có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa; hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản chưa được quan tâm đầu tư; việc cấp phép, cho chủ trương đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện đang còn bất cập…

Nhiều tiềm năng

Hiện nay toàn tỉnh có 18 hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong đó, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên quản lý mặt nước 15 hồ chứa thủy lợi, với tổng diện tích mặt hồ lớn nhất ứng với mực nước dâng bình thường là 793,9ha. Cùng đó, có 2 hồ thủy lợi là hồ Tông Lệnh do UBND huyện Tủa Chùa quản lý với diện tích 3,5ha và hồ Ẳng Cang do huyện Mường Ảng quản lý diện tích 32,4ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một phần hồ thủy điện Sơn La (trên địa bàn TX. Mường Lay và huyện Tủa Chùa) với tổng diện tích lưu vực 224km2, có hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè.

Riêng huyện Tủa Chùa có khoảng 800ha mặt nước nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ sông Đà, cho sản lượng ước 100 tấn/năm.

Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì tỉnh Điện Biên có nhiều lợi thế phát triển thủy sản hồ chứa. Đó là diện tích các hồ chứa khá lớn, nguồn nước sạch, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất... Đặc biệt, năm 2022, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là căn cứ để các cơ quan, đơn vị, địa phương định hướng phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Hơn 40 hộ dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa định cư ngay cạnh lòng hồ sông Đà thuận lợi phát triển thủy sản lòng hồ.

Theo thống kê, tại các hồ thủy lợi hiện nay có tổng số 338 lồng nuôi cá, tổng thể tích lồng 30.232m3. Còn tại hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh có tổng số 224 lồng, thể tích 36.927m3. Năng suất cá nuôi lồng đạt trung bình từ 20 - 30kg/m3, ước sản lượng thu hoạch đạt trên 1.000 tấn. Ngoài nuôi lồng bè, tại 8 hồ chứa còn lại được nuôi thả trực tiếp, ước sản lượng đạt trên 700 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 11 hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản cùng hàng chục mô hình ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản. Điển hình là Hợp tác xã Thủy sản Mường Phăng đầu tư phát triển nuôi cá mặt nước hồ Pá Khoang với diện tích 576ha gồm 70 lồng nuôi cá và một số loại thủy sản khác.

… nhưng nhiều khó khăn

Mặc dù có lợi thế nhưng nghề nuôi trồng thủy sản hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ có 9 hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã được cấp phép hoạt động nuôi trồng thủy sản tại 9 hồ thủy lợi, với tổng diện tích cấp phép loại hình nuôi thả tự nhiên là 462,75ha và 7,6ha nuôi lồng bè. Quy mô nuôi manh mún, chưa có vùng nuôi thủy sản tập trung được đầu tư đồng bộ. Hiện nay, tại 7/15 hồ thủy lợi, người dân nuôi thả theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến; 8 hồ nuôi thả tự nhiên và một số hồ kết hợp phát triển nuôi cá lồng bè.

Người dân xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng nuôi cá lồng trên lòng hồ Ẳng Cang.

Các cơ sở nuôi cá lồng bè đa số chưa đăng ký, chưa được cấp mã số lồng bè. Công nghiệp chế biến thủy sản kém phát triển; thiếu sự liên kết chuỗi giá trị. Người dân thiếu vốn nên áp dụng công nghệ nuôi không được đồng bộ, dẫn đến phát triển thủy sản thiếu tính ổn định, không bền vững. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản chưa được quan tâm đúng mức cũng dẫn đến khó khăn trong sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, mực nước các hồ chứa ở mức thấp nhất do phải xả nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do vậy, nhiều cơ sở nuôi thủy sản lồng, bè phải tạm dừng hoặc chỉ nuôi duy trì. Điển hình như hồ Hồng Sạt, Na Hươm, Pe Luông chỉ nuôi được 1 vụ/năm. Còn đối với hồ thủy điện, hiện nay do ngành Công Thương quản lý chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc cấp phép, cho chủ trương đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện đang còn bất cập.

Anh Tẩn A Đành, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa (người đứng giữa) thu nhập trên 50 triệu đồng/năm nhờ nuôi cá lồng.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản tăng bình quân từ 1,1%/năm trở lên. Trong đó, đến năm 2025 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.796ha; thể tích lồng nuôi thủy sản đạt trên 46.468m3. Sản lượng thủy sản tăng bình quân từ 4 - 5%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4.960 tấn; trong đó, sản lượng nuôi trồng 4.678 tấn, sản lượng khai thác 282 tấn. Giá trị sản xuất 1ha thủy sản tăng thêm từ 20% trở lên. 100% các cơ sở nuôi lồng bè thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính về cấp, cấp lại giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực...

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông quốc gia thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ tại Điện Biên.

Để đạt được mục tiêu, cần giải pháp tháo gỡ những bất cập nêu trên. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho các khu vực nuôi cá tập trung, đặc biệt khu vực nuôi cá lồng để thuận tiện trong quá trình vận chuyển vật tư đầu vào và tiêu thụ hàng hóa.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top