Kinh tế thế giới 2024: Chưa hết những... "cơn gió ngược"

06:03 - Chủ Nhật, 11/02/2024 Lượt xem: 6412 In bài viết

Theo các tổ chức tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ dao động từ 2,1% đến 2,6% trong năm 2024.

Nền kinh tế thế giới tỏ ra kiên cường một cách đáng kinh ngạc trong năm 2023 và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong năm 2024 dưới áp lực của các cuộc xung đột, lạm phát và lãi suất tiếp tục cao.

Biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trên toàn thế giới trong năm 2024. Ảnh: Reuters

An ninh giữ vai trò quyết định

Năm 2023 để lại một loạt cú sốc và diễn biến kinh tế bất lợi. Tỷ lệ lạm phát dai dẳng, mặc dù thấp hơn năm trước, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục quỹ đạo tăng lãi suất. Đáng chú ý, Mỹ đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng và bị hạ bậc xếp hạng tín dụng. Trong bối cảnh đó, có thể dự báo như thế nào về tình hình kinh tế toàn cầu năm 2024?

Giống như năm 2023, an ninh sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Sự bất ổn bắt đầu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022, tiếp tục nhân lên sau khi xảy ra cuộc xung đột Israel - Hamas năm 2023... và tiếp tục kéo sang năm 2024. Kết quả là giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu sẽ còn biến động, tức là nếu không có các cuộc đàm phán dẫn đến hòa bình thì giá nhiên liệu có thể tăng tới một ngưỡng đẩy nền kinh tế đến suy thoái. Thương nhân sẽ được lợi, các hộ gia đình vật lộn với chi phí tăng cao, các chính phủ gặp khó khăn trong việc giữ cân bằng giữa tăng trưởng và trượt giá.

Lãi suất trên toàn thế giới tăng - giảm theo lạm phát có liên quan đặc biệt đến biến động về giá dầu. Mỹ giữ lãi suất ở mức cao (5,5% hiện nay, so với mức dưới 1% vào tháng 3-2022) và các quốc gia khác chịu áp lực phải bắt kịp, chẳng hạn như Ấn Độ, nơi lãi suất hiện đã ở mức 6,5%. Với các nền kinh tế có mức lạm phát cao, lãi suất đã tăng lên 30% ở Thổ Nhĩ Kỳ, 22% ở Pakistan và 18% ở Iran... Các nhà phân tích cho rằng, nếu tỷ lệ lạm phát toàn cầu do chiến tranh gây ra giảm đều đặn và tình trạng bất ổn về an ninh được cải thiện thì năm 2024 sẽ chứng kiến các hành động mạnh mẽ hơn từ các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, “nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro mới do căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng. Điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường năng lượng và các tuyến thương mại chính”. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa ở Biển Đỏ của lực lượng Houthi, tình hình liên quan tới Yemen, Hamas, Azerbaijan, Venezuela... là những dấu hiệu cho thấy rủi ro mà thế giới phải đối mặt.

Bà Courtney Rickert McCaffrey, nhà phân tích địa chính trị tại EY-Parthenon, lưu ý: “Ngay cả khi những xung đột này là nhỏ thì chúng vẫn có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu theo những cách không ngờ. Quyền lực địa chính trị ngày càng bị phân tán và điều đó làm tăng tính bất ổn".

Hiện hữu những rủi ro giảm tốc

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu (GEO) mới nhất của Fitch Ratings, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến giảm xuống mức 2,1% so với ước tính 2,9% của năm 2023; còn theo Reuters, mức tăng trưởng năm 2024 dự kiến khoảng 2,6%, trong khi S&P Global Market Intelligence dự báo mức 2,3%, thấp hơn ước tính 2,7% của năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, sự bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm 2023, tuy nhiên, rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2024.

Giới chuyên gia dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được một cuộc suy thoái, nhưng mối lo ngại về khả năng xảy ra “suy thoái vừa phải” ở châu Âu và Anh vẫn tồn tại. Tăng trưởng kinh tế tại khu vực Eurozone trong năm 2024 được kỳ vọng đạt mức 0,9%. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc người tiêu dùng tăng chi tiêu trong bối cảnh tiền lương tăng và lạm phát giảm dần.

Tuy nhiên, OECD lưu ý, nền kinh tế Eurozone vẫn dễ bị tổn thương nếu giá năng lượng và các loại hàng hóa tăng cao trở lại. Bất chấp những bất ổn xung quanh chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), vẫn có một niềm tin mạnh mẽ cho cú “hạ cánh mềm” của nền kinh tế số một toàn cầu. OECD dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 đạt 1,5% (so với mức ước tính 2,4% của năm 2023). Nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng việc làm tại Mỹ được kỳ vọng khởi sắc hơn kể từ nửa cuối năm 2024 khi lạm phát hạ nhiệt.

Ngược lại, sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có vẻ mong manh khi các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế. Người dân Trung Quốc có thể tiếp tục hạn chế chi tiêu, xuất khẩu sẽ ở mức yếu khi nhu cầu ảm đạm. Trong khi đó, thị trường bất động sản của nước này vẫn đang trong quá trình phục hồi.

IMF lưu ý, mặc dù đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực, hoạt động đầu tư trên toàn cầu vẫn đang thấp hơn so với trước đại dịch, trong đó không ít doanh nghiệp ngại mở rộng sản xuất - kinh doanh và không muốn dấn thân vào rủi ro trong bối cảnh lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và nhiều chính phủ ngừng các biện pháp kích cầu tài khóa. Mặt khác, lòng tin trong thương mại quốc tế đang bị xói mòn khi các quốc gia ngày càng sẵn sàng “vũ khí hóa” các mặt hàng quan trọng, gia tăng hàng rào bảo hộ nhằm đạt các mục tiêu kinh tế lẫn phi kinh tế.

Châu Á - Thái Bình Dương: Triển vọng tươi sáng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, châu Á - Thái Bình Dương đã thể hiện sức sống mạnh mẽ với những tiến bộ liên tục đạt được trong hợp tác khu vực. Giới phân tích cho rằng, khu vực này có yếu tố sản xuất phong phú, quy mô thị trường khổng lồ, nguồn tài nguyên đa dạng và sự bổ sung kinh tế mạnh mẽ.

Hiện tại, áp lực lạm phát tại một số nước trong khu vực đang giảm dần. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tiên phong - minh chứng cho việc thúc đẩy số hóa và phát triển nền kinh tế số. Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp 65% tổng sản lượng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023 và các doanh nghiệp dự kiến sẽ tạo ra 43% doanh thu từ chuỗi kinh tế số.

Vào năm 2024, người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu nhiều hơn năm 2023. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng hóa trở lại mức trước đại dịch, đảo ngược tốc độ tăng trưởng. Nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng như đồ gia dụng và quần áo, cũng được dự đoán sẽ vực dậy khu vực sản xuất ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 6-2023, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực đối với tất cả 15 thành viên, bước vào giai đoạn thực hiện toàn diện mới. Theo thỏa thuận, hơn 90% thương mại hàng hóa trong khu vực sẽ được miễn thuế. Điều này làm cho quan hệ thương mại giữa các nước thành viên trở nên suôn sẻ và gần gũi hơn, giúp thúc đẩy đầu tư và tăng cường động lực tăng trưởng kinh tế nội tại của khu vực.

Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng của thế giới trong năm 2024.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top