Chợ truyền thống hết thời sôi động

16:37 - Thứ Sáu, 15/03/2024 Lượt xem: 7886 In bài viết

ĐBP - Từng là những mô hình dịch vụ cung ứng hàng hóa sầm uất, nhộn nhịp nhất trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, nhưng hiện nay chợ truyền thống phải đối mặt với thực trạng ế ẩm, vắng khách. Nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng duy trì buôn bán.

Các gian hàng chợ trung tâm 1 thường xuyên vắng khách.

Chợ Trung tâm 1 là chợ truyền thống lâu đời tại TP. Điện Biên Phủ, ở vị trí trung tâm thành phố với hàng trăm gian hàng, ki ốt. Từ nhiều năm qua, đây là nơi mua bán hàng hóa chủ yếu của người dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, mấy năm nay, sự phát triển của các kênh mua sắm trực tuyến, nhiều siêu thị tiện ích mọc lên khắp nơi… nên sức mua ở chợ Trung tâm 1 sụt giảm đáng kể. Không còn cảnh chen chân, đứng chờ tới lượt được mua hàng; tại các ki-ốt trong chợ luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Gần 16 giờ ngày cuối tuần, cho dù đang là cao điểm khách du lịch đến Điện Biên nhưng các gian hàng, ki ốt tại chợ Trung tâm 1 vẫn rất vắng khách. Các tiểu thương, người thì xem điện thoại, hoặc tụm năm tụm ba trò chuyện giết thời gian.

Thấy một vài khách từ xa đi về hướng ki ốt mình, anh Nguyễn Văn Nguyên, chủ ki ốt quần áo, giày dép đã đon đả mời chào: “Vào xem, mua giày dép, quần áo các chú ơi!”. Sau hơn 10 phút nhiệt tình tư vấn, lấy nhiều mẫu cho khách hàng lựa chọn, anh Nguyên bán được 1 đôi dép với giá 300.000 đồng. Vừa gói hàng vào túi, anh Nguyên vừa chia sẻ với vị khách, từ sáng đến giờ chú là người đầu tiên xem và mở hàng cho anh đấy.

Trước đây nhiều tiểu thương phải thuê người bán hàng, nay vắng khách, một người có thể quản lý cùng lúc 3 – 4 ki ốt.

Anh Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Vợ chồng tôi bán quần áo, giày dép ở chợ Trung tâm 1 từ năm 2008. Thời điểm đấy, chợ Trung tâm 1 như là “thiên đường” mua sắm của người dân TP. Điện Biên Phủ và các huyện lân cận. Những ngày cuối tuần, người mua chen lấn vào mua hàng, các chủ ki ốt phải huy động tối đa nhân lực phục vụ. Trước đây, một ngày ki ốt tôi bán khoảng 5 - 7 triệu đồng tiền hàng, phải thuê thêm 3 người bán hàng. Nhưng mấy năm nay, người mua cứ thưa vắng dần. Doanh số mỗi ngày chỉ còn từ 500.000 - 700.000 đồng. Như hôm nay, gần hết ngày nhưng mới bán được 300.000 đồng thôi. Trước phải thuê người bán hàng, nay một chủ có thể kiêm 3 - 4 ki ốt cùng lúc vì không có khách. Buôn bán kém, chi phí nhiều khoản ngày càng tăng nên nhiều tiểu thương đã bỏ chợ, đóng ki ốt tìm hướng làm ăn khác.

Nói về nguyên nhân chợ Trung tâm 1 vắng khách, anh Nguyên chia sẻ: Hiện nay công nghệ phát triển mạnh, mở ra nhiều kênh, phương thức bán hàng do đó người dân dần thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì ra chợ chọn hàng, giờ đây khách hàng lựa chọn mua sắm trực tuyến, vừa nhanh, tiện và có người giao hàng tận nơi.

Rời ki ốt anh Nguyên, chúng tôi đi dọc các dãy ki ốt kinh doanh trong chợ Trung tâm 1. Quả thật, không còn không khí ồn ào, náo nhiệt của chợ truyền thống trước đây. Các gian hàng, ki ốt đều đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều ki ốt khóa cửa, treo biển bán hoặc cho thuê. Tại khu vực buôn bán thực phẩm chung tình trạng người bán thì nhiều nhưng người mua rất ít.

Mặt hàng rau, quả cũng vắng khách mua trước sự cạnh tranh của các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Tân Thanh cho biết: Khoảng 3 - 4 năm nay, rất hiếm khi tôi mua hàng ở chợ Trung tâm 1 hoặc các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các đồ dùng như: Quần áo, giày dép, đồ gia dụng… tôi chủ yếu đặt mua trên mạng. Đồ thực phẩm thì mua ở siêu thị.

Cũng như chợ Trung tâm 1, tại chợ Trung tâm 3, khu vực phía trong chợ gần như không còn tiểu thương buôn bán. Theo quan sát, hiện nay khu vực này chỉ còn 2 - 3 hàng rau củ quả; 2 gian hàng bán gạo. Một khoảng không gian rộng lớn của chợ giờ bỏ không hoặc làm chỗ để xe cho người dân xung quanh.

Ế ẩm kéo dài, tiểu thương nhập ít hàng, chủ yếu bán cho những khách quen.

Buôn bán gạo tại chợ Trung tâm 3 từ ngày chợ mới đầu tư xây dựng, bà Ngô Thị Hòa cho biết: “Trước đây, chợ tấp nập lắm. Giờ vắng tanh. Buôn bán chán lắm”. Nói rồi, bà Hòa chỉ rõ từng khu vực bán hàng từ hàng thịt, hàng rau, hàng đồ khô… Trước đây, người bán hàng ngồi kín chợ, người vào mua hàng phải len người, tránh nhau để đi. Thế nhưng giờ rất vắng. Bà Hòa nói: Trong này có 16 ki ốt thì giờ có đến 10 ki ốt nghỉ bán, đóng cửa; chỉ 6 ki ốt hướng ra mặt đường còn hoạt động cầm chừng. Trong đó, nhiều ki ốt đã qua nhiều lượt chủ khác nhau nhưng buôn bán ế ẩm cuối cùng họ cũng đành bỏ. Một số người trẻ thì tìm cách ra mặt đường buôn bán. Còn với những người già như tôi, không có sức khỏe để chuyển đổi nghề nghiệp nên đành cố trụ lại đây. Hiện nay tôi bán hàng cho người quen là chủ yếu.

Bên cạnh sự cạnh tranh rất khốc liệt đến từ kinh doanh online, trung tâm thương mại, nhiều ý kiến cho rằng các chợ truyền thống hiện nay đều đã được đầu tư sử dụng nhiều năm, đã xuống cấp. Đặc biệt là công tác phòng chống cháy nổ và mỹ quan đô thị. Chợ xuống cấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn khách hàng tham quan, mua bán tại chợ vắng vẻ.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top