Vì sao thu ngân sách từ xuất, nhập khẩu giảm?

13:38 - Thứ Bảy, 13/04/2024 Lượt xem: 5838 In bài viết

Trong quý I-2024, tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất, nhập khẩu lại giảm 4,2%. Nghịch lý này đến từ nguyên nhân gì?

Kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội.

Xác định 3 nhóm nguyên nhân

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng 3-2024 đạt 31.935 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng liền trước. Lũy kế từ ngày 1-1 đến 31-3-2024, tổng số thu ngân sách nhà nước là 88.354 tỷ đồng, đạt 26,3% dự toán được giao, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, số liệu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong quý I-2024 ghi nhận con số tăng trưởng khá. Cán cân thương mại trong 3 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD. Cụ thể, tổng giá trị xuất, nhập khẩu tháng 3-2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% (tương ứng tăng 17,1 tỷ USD) so với tháng liền trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% (tương ứng tăng 23,86 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% (tương ứng tăng 13,51 tỷ USD), nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 10,35 tỷ USD).

Về nghịch lý này, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thông thường nếu xuất, nhập khẩu tăng thì thu ngân sách từ lĩnh vực này cũng tăng. Trong quý I-2024, xuất, nhập khẩu tăng đáng kể, song thu ngân sách từ hoạt động này lại giảm là điều khá lạ, nguyên nhân có thể do tháng 2 rơi vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán.

Còn theo lý giải của Tổng cục Hải quan, nguyên nhân là bởi kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng đóng góp số thu lớn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Chẳng hạn, với nhóm xăng, dầu, do được ưu đãi về thuế suất (0% đến 5%) nên các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ ASEAN thay vì Hàn Quốc. Điều này đã tác động làm nhóm xăng, dầu nhập khẩu giảm khoảng 23% về lượng và giảm khoảng 30% về trị giá, dẫn đến giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tương tự, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm khoảng 38% về lượng và giảm khoảng 39% về giá, làm giảm thu khoảng 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, số thu cũng giảm khoảng 4.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý I-2024 có đợt nghỉ Tết Giáp Thìn kéo dài nên hoạt động xuất, nhập khẩu bị hạn chế, ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Tiếp tục tạo thuận lợi thương mại

Năm 2024, ngành Hải quan được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 375.000 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngay từ đầu năm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó có nhóm các giải pháp nhằm tạo thuận lợi thương mại và nhóm các giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách.

Trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường chống thất thu qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Các giải pháp cụ thể gồm kiểm tra chặt về số lượng, khối lượng, chủng loại, tên hàng hóa; trị giá hàng hóa xuất, nhập khẩu; phân loại hàng hóa, áp dụng mã số và mức thuế; xuất xứ hàng hóa; thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế, ưu đãi thuế; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế.

Đặc biệt, ngành Hải quan tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, cũng như tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Việc cải cách hành chính gắn với tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy xuất, nhập khẩu, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp thu thuế, chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại...

Tại Hà Nội, Cục Hải quan thành phố cho biết, nhiều giải pháp về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các biện pháp nghiệp vụ chống thất thu, tăng thu ngân sách đang được Cục triển khai đồng bộ. Điển hình như việc Cục Hải quan thành phố Hà Nội, các chi cục hải quan trực thuộc triển khai chương trình tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp đóng trên địa bàn để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn vị cũng sẽ thường xuyên đánh giá tình hình thu ngân sách nhà nước, tăng cường rà soát, nắm vững nguồn thu chính của chi cục, phân tích sự biến động tăng, giảm số thu từng tháng để đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu cụ thể với từng lĩnh vực.

Tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 3 và quý I, triển khai chương trình công tác tháng 4 và quý II-2024 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách, chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo đảm thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top