Nắng nóng khiến nhiều diện tích lúa khô hạn, thiệt hại

18:00 - Thứ Ba, 16/04/2024 Lượt xem: 8598 In bài viết

ĐBP - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh. Hầu hết trà lúa đang thời kỳ làm đòng, trổ bông, là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất, sản lượng lúa. Nhiều diện tích lúa đã bị thiệt hại, thậm chí một số diện tích bị chết do nắng nóng, thiếu nước. Theo dự báo của cơ quan chức năng, thời gian tới nếu không có mưa, nguy cơ thiếu nước đối với cây lúa trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra cục bộ.

Nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đã khô khốc, nứt nẻ.

Thiếu nước trầm trọng

Dưới cái nắng đổ lửa những ngày qua, nhiều diện tích lúa, nhất là diện tích trên kênh thủy nông hoặc diện tích người dân khai hoang đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Tại một số cánh đồng, nắng nóng kéo dài làm đồng ruộng khô khốc, mặt ruộng nứt nẻ, khiến cây lúa chậm phát triển, một số đã chuyển vàng và chết, thậm chí người dân phải cắt lúa về cho trâu, bò ăn.

Vụ đông xuân năm nay toàn huyện Tủa Chùa gieo cấy 590ha lúa. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến thất thường, khô hạn kéo dài, không có mưa làm khô kiệt nguồn nước mặt ở các ao hồ, khe suối cung cấp nước tưới cho sản xuất. Qua kiểm tra, trên địa bàn huyện có khoảng 100ha (chiếm 16% diện tích) lúa bị thiếu nước. Diện tích lúa thiếu nước chủ yếu ở các chân ruộng cao, rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn; trong đó khoảng 12ha tại các xã: Mường Báng, Xá Nhè và thị trấn Tủa Chùa bị hạn nặng khó khắc phục.

Nắng nóng kéo dài, hệ thống kênh mương khô cạn nước.

Còn tại huyện Điện Biên, tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng hơn, nhất là với diện tích lúa trên kênh thủy nông. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến ngày 11/4, toàn huyện có gần 207ha lúa thiếu nước (bao gồm gần 146ha lúa trong kế hoạch và 48ha ngoài kế hoạch do người dân khai hoang). Nắng nóng kéo dài đã làm gần 137ha/207ha lúa bị thiệt hại nặng, không khắc phục được. Diện tích lúa bị thiếu nước chủ yếu trên địa bàn các xã: Thanh Yên (43ha), Noong Luống (39ha), Thanh Hưng (8,5ha), Pom Lót (7ha), Thanh Nưa (23ha), Mường Pồn (18ha), Thanh Chăn (27ha), Núa Ngam (9,2ha)…

Anh Quàng Văn Ơn, bản Bó, xã Thanh Hưng cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy hơn 3.000m2 lúa. Tuy nhiên, chưa năm nào nắng nóng kéo dài và thiếu nước như năm nay. Một số chân ruộng trên cao thiếu nước trầm trọng, cây lúa không phát triển được, cỏ mọc tốt hơn lúa, một số diện tích lúa đã khô đỏ lá và chết, không phát triển được người dân cắt về cho trâu, bò ăn.

Nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Điện Biên đã bị khô đỏ lá do thiếu nước.

Không chỉ huyện Tủa Chùa hay Điện Biên, hiện nay tình trạng hạn hán trên cây lúa đang diễn ra tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn héc ta lúa đang trong tình trạng thiếu nước; trong đó có 363ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, như: Mường Nhé gần 20ha, Mường Ảng gần 20ha, Nậm Pồ gần 12ha, TX. Mường Lay 25ha… Đặc biệt, đối với những diện tích lúa trên kênh, hoặc diện tích lúa gieo cấy ngoài kế hoạch, tình trạng thiếu nước trầm trọng hơn, nhiều diện tích không thể khắc phục.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 5 trên địa bàn tỉnh Điện Biên cao hơn từ 2 - 3oC; đồng thời lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 5 - 15mm so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn, nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước cho cây lúa là rất lớn.

Anh Quàng Văn Ơn trên ruộng lúa thiếu nước không lên được, người dân cắt về cho trâu, bò.

Ảnh hưởng năng suất

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 9.820ha. Hiện nay các trà lúa sớm và chính vụ đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất và cũng là giai đoạn cây lúa cần nước nhất. Thế nhưng, với diễn biến thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng cục bộ đến năng suất lúa là rất lớn.

Bà Lò Thị Úm, bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng cho biết: Năm nay gia đình gieo cấy hơn 3.000m2 lúa. Nắng nóng kéo dài, nguồn nước cung cấp cho ruộng không đủ nên cây lúa chậm sinh trưởng, lá khô héo, úa vàng, sâu bệnh. Nhiều cây không trổ bông, những cây có bông thì phần lớn hạt lép. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, nguy cơ mất mùa rất lớn.

Diện tích lúa gia đình bà Lò Thị Úm, bản Hồng Lếch Cuông chưa bao giờ thiếu nước như năm nay.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên chia sẻ, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, không mưa đã ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển cây lúa. Qua thăm đồng kiểm tra cho thấy, cây lúa chậm phát triển, có những ruộng lúa cây chỉ cao khoảng 30cm đã trổ bông. Hiện nay, đối với những diện tích lúa dưới kênh vẫn chủ động đảm bảo được nguồn nước, nhưng với diện tích trên kênh phụ thuộc vào nước mưa sẽ bị ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, huyện Tủa Chùa chỉ đạo các xã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân san sẻ nước tưới hợp lý, sử dụng nguồn nước tiết kiệm bằng biện pháp xả tưới luân phiên theo ngày cho các khu vực ruộng có chung kênh mương hoặc đường ống dẫn nước. Đồng thời, huyện đề nghị Công ty Quản lý thủy nông có giải pháp điều tiết nước, tăng cường hệ thống đường ống dẫn nước về các cánh đồng thị trấn, xã Mường Báng để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán như hỗ trợ máy bơm để bơm nước tưới từ sông suối. Song khó khăn hiện nay là nước ở các sông, suối gần như cạn kiệt; hồ Tông Lệnh mực nước đã xuống thấp bằng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Mực nước hồ Tông Lệnh đã gần cạn kiệt.

Để đảm bảo nước tưới cho cây lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, đánh giá nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, các nguồn nước khác. Trên cơ sở đó, hướng dẫn người dân có giải pháp điều tiết nước hợp lý, ưu tiên nguồn nước tưới cho lúa đông xuân, các cây trồng vụ xuân hè, cây ăn quả; sử dụng sử dụng nước tưới tiết kiệm; ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại hệ thống công trình thủy lợi, công trình tưới nước phục vụ sản xuất. Đối với diện tích không có khả năng đảm bảo nước cần kịp thời hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, đảm bảo thời vụ gieo trồng.

Người dân xã Noong Luống bơm nước chống hạn cho lúa.

Đối với công ty thủy nông, chủ động tích nước sớm, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý để chống thất thoát, lãng phí và đảm bảo nguồn nước sản xuất đến hết vụ. Tăng cường các giải pháp đảm bảo cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024, nhất là các xã cuối kênh đại thủy nông Nậm Rốm, các vị trí thường xuyên xảy ra thiếu nước trên địa bàn huyện. Tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, kiểm tra, rà soát các vị trí công trình do đơn vị quản lý bị hư hỏng; chủ động bố trí kinh phí sửa chữa.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top