Xuất khẩu gạo của Việt Nam quý I đạt 1,4 tỷ USD

14:52 - Thứ Sáu, 26/04/2024 Lượt xem: 5981 In bài viết

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I-2024 đạt gần 2,2 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Sáng 26-4, tại Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I-2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp Bộ NN & PTNT tổ chức. Ảnh: Đỗ Dũng

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: Gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp…

Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng tốt như Liên minh châu Âu.

Trong công tác điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo tại các địa phương và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, Bộ cũng có giải pháp bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn trong năm; thiết lập kênh hỗ trợ thông tin thị trường gạo…

Dây chuyền đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Phước Thành II (tỉnh Long An). Ảnh: Mai Hương

Năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức, như nguồn cung gạo toàn cầu giảm. Dù vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I-2024 đạt gần 2,2 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Cùng với đó, bảo đảm tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.

Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã trao đổi, rà soát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top