Giá rau tăng cao, người trồng rau phấn khởi

17:14 - Chủ Nhật, 12/05/2024 Lượt xem: 17742 In bài viết

ĐBP - Khác với mọi năm, vụ đông xuân là thời điểm rau xanh phong phú về chủng loại giá thành ổn định do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay, giá nhiều loại rau xanh tăng mạnh ngay từ vùng sản xuất tới chợ dân sinh, thậm chí tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều hộ trồng rau không đủ cung cấp cho thị trường. Giá cao, thương lái đến mua tận ruộng, người trồng rau phấn khởi vì có nguồn thu nhập cao.

Nhờ chủ động nguồn nước tưới, diện tích rau của gia đình ông Vũ Đình Cử, thôn Việt Thanh, xã Thanh Hưng luôn phát triển tốt.

Huyện Điện Biên là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất của tỉnh. Thời điểm này, tại các vườn rau trên địa bàn các xã: Thanh Hưng, Pom Lót, Noong Luống… không khí lao động hết sức rộn ràng. Người dân tất bật trồng, chăm sóc, thu hoạch rau kịp cho thương lái đến thu mua. Trên các gương mặt đẫm mồ hôi đều hiện rõ niềm vui khi các loại rau được giá hơn nhiều so với mọi năm.

Với diện tích gần 2.000m2 đất trồng các loại rau, năm nay gia đình ông Vũ Đình Cử, thôn Việt Thanh, xã Thanh Hưng có nguồn thu nhập không nhỏ. Theo ông Cử, mặc dù thời gian qua nắng nóng kéo dài, nhưng gia đình chủ động được nguồn nước nên diện tích rau đều phát triển tốt. Không chỉ được mùa, từ đầu năm đến nay, nhất là dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các loại rau bán rất chạy mà giá tăng gấp đôi, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập lớn nhất mà tôi có được nhờ trồng rau từ trước đến nay.

Đang tưới nước cho vườn rau, anh Nguyễn Văn Định, đội 11, xã Thanh Hưng cho biết: Gia đình anh trồng hơn 3.000m2 rau cải, hành lá, các loại rau thơm… Những năm trước, trồng rau bấp bênh lắm, vừa sợ sâu bệnh, thời tiết lại lo mất giá. Lâu lắm rồi rau mới được giá như năm nay, tăng gấp đôi, gấp ba so với cùng thời điểm năm trước. Thương lái đến tận ruộng để thu mua; nhưng để được giá cao hơn nên gia đình đã tự đem ra chợ bán.

Người dân huyện Điện Biên phấn khởi khi rau màu tăng giá cao. Trong ảnh: Bà Phạm Thị Hợp, xã Thanh Hưng thu hoạch rau.

Pom Lót là một trong những xã có diện tích rau màu lớn. Hiện toàn xã có hơn 700 hộ dân tham gia trồng rau màu, với diện tích 118ha, trong đó 80ha chuyên canh trồng rau; nhiều gia đình có diện tích đất sản xuất lớn từ 2 - 3ha. Khác với năm trước, giá rau màu năm nay tăng cao, người dân phấn khởi chăm sóc và đầu tư gối vụ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Gái, xã Pom Lót có gần 1.000m2 rau các loại. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả rất lớn, trong khi giá tăng cao hơn hẳn so với mọi năm. Bởi vậy thu hoạch đến đâu gia đình bà tập trung gieo trồng gối vụ đến đó, nhất là một số loại rau củ có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên cũng không vì lợi nhuận mà chạy theo số lượng, ngược lại gia đình chú trọng sản xuất rau an toàn, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh việc chăm sóc luống rau hiện có, người dân tranh thủ trồng gối vụ để đảm bảo nguồn cung ra thị trường.

Vụ rau đông xuân cũng là vụ rau chính trong năm trên địa bàn huyện Điện Biên. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 2.100ha rau màu; trong đó vùng lòng chảo có hơn 1.700ha tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã: Thanh Hưng (hơn 300ha), Thanh Luông (gần 300ha), Pom Lót (118ha)… Chưa năm nào người nông dân phấn khởi vì rau được giá như hiện nay. Riêng mặt hàng rau xanh đã tăng bình quân từ 20% - 50%, thậm chí có loại đã tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm này của năm trước. Như rau cải ngồng 17 - 20 nghìn đồng/kg (năm trước khoảng 8 nghìn đồng/kg); hành lá 35 - 40 nghìn đồng/kg (trước 20 nghìn đồng/kg), thậm chí dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hành lá có giá 60 nghìn đồng/kg; cà chua, bí đao 30 nghìn đồng/kg; rau ngót 10 nghìn đồng/bó; rau thơm 3 nghìn đồng/bó…

Lý giải về diễn biến thị trường năm nay, theo cơ quan chức năng chủ yếu do thời tiết khắc nghiệt, nhiều vùng rau ngoại tỉnh bị chết hoặc sâu bệnh, dẫn đến nguồn cung giảm mạnh. Trong tỉnh, một số vườn rau khu vực trên kênh không chủ động được nước tưới nên không trồng được rau hoặc trồng nhưng rau không lên.

Thương lái vào tận nhà dân mua rau.

Năm 2024 tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia gắn với sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lượng khách du lịch tăng đột biến, nên nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng cao, đã tác động không nhỏ đến giá các loại rau. Nhiều nhà hàng thiếu nguồn cung, phải vào tận hộ trồng rau thu mua. Theo bà Lù Thị Sao, chủ nhà hàng Hương Sao, bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên), thời gian vừa qua, lượng khách đặt mâm đông, trong đó rau xanh là món không thể thiếu. Để đảm bảo nhu cầu của khách, nhà hàng đã chủ động vào tận vườn rau của người dân thu mua. Thế nhưng, cũng phải hẹn trước mới có và giá thu mua tận ruộng cao hơn nhiều so với mọi năm.

Rau xanh là mặt hàng không có trong danh mục quản lý giá của Nhà nước, giá cả do nhu cầu thị trường quyết định. Vì vậy, để bảo đảm cho người tiêu dùng được mua rau với giá ổn định, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần kiểm soát, bình ổn thị trường, tránh tình trạng tiểu thương lợi dụng tăng giá. Về lâu dài cần tăng cường hoạt động kết nối, giao thương thúc đẩy tiêu thụ, tạo đầu ra bền vững với giá cả ổn định cho rau củ chứ không chỉ được giá từng thời điểm cục bộ.

 

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top