Tiêu thụ sản phẩm đặc sản trên nền tảng số

09:00 - Thứ Sáu, 07/06/2024 Lượt xem: 6711 In bài viết

ĐBP - Ứng dụng nền tảng số để giới thiệu, tiêu thụ nông sản Điện Biên được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh thực hiện khá hiệu quả thời gian qua. Hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương thông qua các nền tảng số là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phát triển thương hiệu, thị trường.

Phòng livestream tại nhà được anh Trần Việt Cường đầu tư đầy đủ thiết bị, đạo cụ và ekip hỗ trợ chốt đơn. Ảnh: Lan Phương

Những buổi livestream đã trở thành hoạt động thường xuyên với anh Trần Việt Cường trú tại tổ 14, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Mỗi ngày 2 lần anh Cường livestream bán sản phẩm đặc sản của Điện Biên qua kênh tiktok và youtube có hơn 20 nghìn lượt người theo dõi và gần 200 nghìn lượt thích. Các sản phẩm được anh livestream bán hàng đạt chuẩn OCOP của tỉnh như: bánh khẩu xén, chí chọp, miến dong… Mỗi phiên livestream của anh Cường thu hút hàng trăm lượt khách theo dõi và đặt hàng. Thời gian cao điểm nhất, trong phiên livestream của anh Cường thu hút đến hơn 1.000 mắt xem và có thể bán được từ 120-130 đơn hàng với lượng khách hàng đa dạng trên khắp cả nước.

Anh Trần Việt Cường cho biết: “Mỗi ca livetream thường kéo dài từ 3 giờ trở lên thì lượt tiếp cận người xem mới được nhiều khi ấy thuật toán của kênh bán hàng mới đẩy lượt tiếp cận người xem, người dùng. Để thu hút được người xem, tôi lên ý tưởng xây dựng các content (nội dung) hài hoặc các câu chuyện liên quan đến sản phẩm, làm sao khéo léo thu hút người theo dõi nội dung phiên livestream và cuối cùng là xen lẫn sản phẩm vào".

Thông qua nền tảng số, chỉ bằng thao tác đơn giản, khách hàng ở khắp mọi nơi có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt mua các sản phẩm hoa quả sấy dẻo tại cơ sở của chị Trần Thị Hà, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ). Khởi nghiệp từ mô hình tham gia cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2021 là “Áp dụng công nghệ sấy lạnh hoa quả để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp” đến nay chị Hà đã phát triển cơ sở với nhiều sản phẩm hoa quả sấy như: hồng, mít, mận… đặc biệt là định hướng xây dựng 2 sản phẩm: Dứa sấy Mường Chà và chuối tây địa phương sấy dẻo thành sản phẩm OCOP. Để tối ưu khả năng tiêu thụ sản phẩm, chị Hà đăng mỗi ngày 3 bài trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook…. Nhờ vậy mà 80% lượt bán sản phẩm của chị Hà đến từ kênh tiêu thụ online này và các thị trường ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương… Tổng doanh thu ước đạt từ 90-100 triệu đồng/tháng.

Anh Cường cùng ekip chuẩn bị trước mỗi phiên livestream. Ảnh: Lan Phương

Chị Trần Thị Hà chia sẻ: “Sau một thời gian quảng bá và bán sản phẩm qua hai hình thức trên trang facebook và sàn thương mại điện tử, tôi thấy đơn hàng và hiệu quả bán hàng trên đó chiếm tỉ lệ cao hơn bán hàng truyền thống. Vì vậy, thời gian qua tôi tập trung phát triển trang cá nhân của mình trước sau đó chuyển sang trang bán hàng trên fanpage để lượng khách hàng biết đến mình nhiều hơn và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn".

Hiện nay toàn tỉnh có gần 500 sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo, Buudien.vn, Voso.vn... Trong đó, 100% sản phẩm OCOP đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử. Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm địa phương, Bưu điện tỉnh đã triển khai gian hàng OCOP tại quầy giao dịch Bưu điện TP. Điện Biên Phủ giới thiệu và cung cấp sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng và du khách. Đồng thời, đơn vị thực hiện livetream bán hàng và đăng bài lên kênh facebook chính thức. Đặc biệt là đưa hơn 40 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Buudien.vn.

Chị Trần Thị Hà đăng tải sản phẩm lên các trang mạng xã hội. Ảnh: Lan Phương

Ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia các sàn thương mại điện tử, đơn vị đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quảng cáo và quản lý gian hàng giúp doanh nghiệp bán hàng hiệu quả. Bưu điện tỉnh đã triển khai các chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, bưu điện tỉnh đã chủ động và phối hợp với các hộ kinh doanh, hợp tác xã triển khai các chương trình truyền thông cũng như livestream bán hàng trực tuyến giúp thay đổi nhận thức của người dân và người tiêu dùng trong giao dịch trên sàn thương mại điện tử. 

Hoạt động đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua các nền tảng số là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số nông nghiệp. Giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; đặc biệt là mở ra phương thức bán hàng mới hiện đại và bền vững, tránh phụ thuộc vào thương lái cũng như ùn ứ nông sản khi vào cao điểm mùa thu hoạch.

Thanh Niên
Bình luận

Tin khác

Back To Top