Vấn đề kỳ này
ĐBP - Điện Biên có tiềm năng sản xuất nông nghiệp với nhiều nông sản, đặc sản. Gạo từ cánh đồng Mường Thanh, các loại rau khu vực lòng chảo huyện Điện Biên... Tuy nhiên, nông sản của tỉnh chủ yếu cung cấp ở dạng thô, chưa qua chế biến. Việc không chế biến dẫn tới khó bảo quản, lưu trữ nông sản, giá trị thấp. Do đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản để nâng cao giá trị, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp địa phương.
Với cánh đồng Mường Thanh diện tích hơn 4.100ha, là vùng sản xuất lúa gạo chủ lực của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Một số khu vực trên cánh đồng Mường Thanh đã gieo cấy lúa một giống, chăm sóc hữu cơ và khi thu hoạch có hợp tác xã thu mua, chế biến xuất bán gạo chất lượng cao. Đây là những khu vực có sự liên kết, đầu tư giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với hộ nông dân. Đơn vị đầu tư giống lúa, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và khi thu hoạch sẽ thu mua thóc chế biến, xay xát thành gạo đặc sản. Các loại gạo đặc sản được đóng bao bì, có thương hiệu xuất bán đi nhiều tỉnh, thành với giá trị cao hơn hẳn gạo truyền thống. Một số sản phẩm gạo Điện Biên đã đạt chuẩn OCOP, nổi tiếng với độ dẻo, thơm ngon và khẳng định chỗ đứng trên thị trường lúa gạo Việt Nam.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo chất lượng cao đã được triển khai tại các xã: Thanh Chăn, Thanh Yên, Thanh Xương (huyện Điện Biên) mang lại hiệu quả tích cực, 176 hộ tham gia với diện tích trên 70ha. Sau khi kết thúc mô hình, việc liên kết giữa các hộ dân với đơn vị chủ trì vẫn được duy trì bởi bà con đã nhận thức rõ hiệu quả mô hình. Việc áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật đối với khu vực sản xuất lúa một giống, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất, quản lý sinh vật gây hại hiệu quả đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Đặc biệt, khu vực sản xuất tập trung đã giảm tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cắt giảm nhiều.
Cơ cấu giống trong các vụ sản xuất lúa được thay đổi phù hợp với từng mùa vụ theo phương châm hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo. Trước đây, người dân gieo cấy chủ yếu giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7 song nay các loại giống này đã thoái hóa, bà con chuyển sang giống séng cù, lúa thơm và Hana. Việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo mô hình cánh đồng một giống đến khi thu hoạch được thu mua, chế biến vừa nâng cao giá trị nông sản vừa thay đổi nhận thức của người dân trong áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
Ngoài gạo, khu vực lòng chảo huyện Điện Biên là vùng trồng rau củ quả lớn của tỉnh. Toàn huyện Điện Biên có hơn 2.100ha rau màu, riêng vùng lòng chảo hơn 1.700ha. Vùng trồng rau tập trung tại các xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Pom Lót, Noong Luống, Thanh Xương. Các cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên thường xuyên hướng dẫn người dân áp dụng quy trình VietGAP, các tiêu chuẩn an toàn để rau chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với sản phẩm rau hầu như chưa có chế biến, thu hoạch và xuất bán thô. Sản phẩm đỗ leo của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống được công nhận đạt chuẩn OCOP đã giúp Hợp tác xã hướng tới mục tiêu phân phối về các khu công nghiệp, siêu thị... Việc chế biến rau củ quả cần được quan tâm thực hiện để nâng giá trị nông sản.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Điện Biên đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả theo hướng liên kết. Tổng diện tích cây ăn quả vùng lòng chảo đã đạt trên 1.200ha trong đó riêng năm 2023, toàn huyện trồng mới gần 100ha cây ăn quả gồm bưởi da xanh, mít, nhãn, thanh long, ổi. Cây ăn quả cho thu hoạch giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Tại các xã Si Pa Phìn, Chà Nưa, Phìn Hồ của huyện Nậm Pồ đã tiến hành trồng bí xanh trong nhà lưới, liên kết với Hợp tác xã Hà Ân của huyện Mường Nhé xuất bán bí về Hà Nội. Ngoài bí xanh, khu vực này trồng thêm chanh leo, tạo độ thơm, ngon; hiện nay tập trung xuất bán, giới thiệu chanh leo với người tiêu dùng ở TP. Điện Biên Phủ.
Thực tế, điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương phù hợp với từng loại cây trồng song việc liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản đã và đang mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực. Các mô hình liên kết giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao chất lượng, đảm bảo đầu ra, tiêu thụ nông sản. Song thực tế, các mô hình liên kết trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, nông sản vẫn bán thô dễ rơi vào tình trạng “được mùa giảm giá”. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không chỉ khó việc chăm sóc, đầu ra tiêu thụ nông sản bấp bênh, giá trị nông sản không cao, khó bảo quản, lưu trữ.
Thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Điện Biên có Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất giúp người dân được tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Theo tính toán của ngành chuyên môn, trồng rau an toàn giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%, sản lượng tăng 15 - 25%, lợi nhuận tăng 30 - 35 triệu đồng/ha. Liên kết sản xuất cánh đồng một giống áp dụng cơ giới hóa làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Lợi ích thiết thực là thông qua liên kết, người dân tiếp cận kiến thức triển khai hợp đồng liên kết; thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản phẩm hàng hóa, từ quảng canh sang thâm canh.
Lợi ích liên kết sản xuất mang lại đã rõ. Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cần tăng cường liên kết từ sản xuất, chăm sóc cây trồng tới thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị nông sản Điện Biên.