Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân

06:16 - Thứ Bảy, 15/06/2024 Lượt xem: 5958 In bài viết

ĐBP - Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh rất chậm, thấp hơn mức trung bình quân của cả nước. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (đạt tối thiểu 95% trở lên), tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương kiên quyết điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, các dự án sau khi rà soát hết nhu cầu vốn, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp đường giao thông bản Xôm đi bản mốc C5, xã Phu Luông.

Năm 2024, huyện Điện Biên được giao hơn 142,4 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2023 chuyển sang). Tiến độ một số dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm của huyện mới đạt 19,8%. Đặc biệt giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó có 37 dự án kéo dài từ năm 2023 sang tỷ lệ giải ngân bằng 0; kế hoạch vốn năm 2024 có 19 dự án tỷ lệ giải ngân bằng 0).

Nhiều dự án dù đã được bố trí vốn nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện được, như: Dự án lát vỉa hè tuyến đường vào trung tâm huyện, đã được bố trí kinh phí nhưng người dân chưa đồng ý với phương án đền bù, bồi thường vật kiến trúc trên đất. Trong khi theo kế hoạch đến hết năm 2024 là kết thúc dự án.

Theo ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên: Huyện đã yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan để dự án chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng; nhất là những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực; xử lý kịp thời các vướng mắc, nhất là liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Huyện Điện Biên cũng đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể thủ tục lựa chọn nhà thầu của một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia gói thầu có sự tham gia của cộng đồng; gói thầu xây dựng dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp (áp dụng cơ chế đặc thù) không lựa chọn được cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ trên địa bàn xã.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ Dự án đường giao thông nông thôn bản Tả Si Láng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa.

Không riêng huyện Điện Biên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đạt rất thấp, như: Huyện Tuần Giáo 21,5%; TP. Điện Biên Phủ khoảng 15%; Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh 15,4%; Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp 10,1%...

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh được Trung ương giao hơn 4.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch đầu tư công trên địa bàn vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 17,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ giải ngân đối với vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thực hiện giải ngân từ những năm trước sang năm 2024 đạt 17,2%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 11 đơn vị và 65 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0.

Việc giải ngân vốn chậm có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát; thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy tối đa; công tác lập kế hoạch, năng lực một số đơn vị chủ đầu tư còn hạn chế. Tiêu biểu như năm 2024, xã Hua Thanh và Thanh Nưa (huyện Điện Biên) được giao nhiệm vụ chủ đầu tư một số dự án, nhưng do năng lực, trình độ quản lý về dự án còn hạn chế nên hiện nay 2 xã này đang hoàn thiện thủ tục để đề nghị chuyển chủ đầu tư về các phòng, ban của huyện.

Gói thầu số 4 dự án Đường động lực hiện nay vướng mặt bằng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 2384/CT-UBND ngày 29/5/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư tập trung rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện của từng chương trình, dự án, từng nguồn vốn cụ thể; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết và cam kết giải ngân, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện. Kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân theo kế hoạch đã cam kết sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành và giải ngân 100% vốn trong năm 2024, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh nếu để dự án chậm tiến độ, bị trung ương thu hồi vốn khi hết thời hạn giải ngân dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Hiện nay các nhà thầu dự án Sân vận động huyện Tủa Chùa đang đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân vốn.

Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, giải ngân đối với dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia và dự án bảo tồn, tôn tạo Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn dự phòng.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top