ĐBP - Sáng nay (15/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hiện nay, cả nước có 92 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm. Từ năm 2023 đến nay, quá trình sản xuất clanhke và xi măng sụt giảm nghiêm trọng, có 42 dây chuyền phải dừng hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm nay, dự kiến tổng sản lượng sản xuất chỉ đạt 44 triệu tấn; các dây chuyền hoạt động trung bình chỉ đạt 70 - 75% công suất; tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn.
Đối với gạch ốp lát, cả nước có 83 nhà máy sản xuất, với 831 triệu m3/năm. Từ năm 2020 đến nay, công suất sản xuất chỉ đạt 50 - 60%; sản lượng tiêu thụ khoảng 85%. Về vật liệu xây dựng không nung, cả nước có 1.200 cơ sở sản xuất, với tổng công suất 12,4 tỷ viên/năm. Từ năm 2019 đến nay, sản lượng sản xuất suy giảm, công suất khai thác chỉ đạt 40%, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 20%.
Đối với ngành công nghiệp thép, trong giai đoạn 2011 - 2022, ngành thép có tốc độ tăng trưởng khá cao (bình quân đạt 14,25%). Trong 4 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép các loại đạt 9,36 triệu tấn (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023); tiêu thụ đạt 9,35 triệu tấn (tăng 5,5%). Ngoài ra, đối với sứ vệ sinh, kính xây dựng sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm mạnh.
Đại diện các hiệp hội, địa phương cho rằng nguyên nhân do chi phí nhiên liệu (than, điện, dầu…) tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng theo (như đối với xi măng, gạch ốp lát chi phí nhiên liệu than chiếm từ 30 - 50%, chi phí nhiêu liệu tăng làm tăng chi phí sản xuất từ 5 - 11% ). Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất (đá vôi, đất sét, cát trắng silic, dolomit) gặp khó khăn vì thủ tục cấp phép; nguồn cung các nguyên liệu phụ gia (đất giàu silic, đất giàu sắt, giàu nhôm) khan hiếm, giá thành cao. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiên tiến để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi đa dạng hóa sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước giảm; thị trường bất động sản trầm lắng; chi phí vận tải tăng cao, tác động mạnh đến giá bán vật liệu xây dựng; các sản phẩm vật liệu xây dựng nhập ngoại tăng.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương bám sát tình hình thực tiễn, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng. Kịp thời phản ánh chính sách, vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển; tổ chức thực hiện phải quyết liệt, mạnh mẽ. Phát triển ngành vật liệu xây dựng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong nước. Tiếp cận ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, năng lực; hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường trong quá trình sản xuất. Phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Về giải pháp thực hiện, các bộ, ngành, địa phương rà soát lại cơ chế chính sách, thể chế khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng. Chủ động linh hoạt, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Phản ứng nhanh với tình hình thay đổi; tăng cường năng lực dự báo những tác động thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản. Tăng cường triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc; sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước.
Đối với các doanh nghiệp, đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu thiết bị, máy móc, tiết kiệm năng lượng, giảm thải khí thải. Đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng; rà soát cắt giảm chi phí; đổi mới áp dụng công nghệ sản xuất, phương thức quản lý. Tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng. Cơ cấu lại nguồn vốn; chủ động trao đổi với ngân hàng để khoanh, giãn nợ và có kế hoạch, lộ trình trả nợ để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh… Các cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong phát triển, tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến các đại biểu sớm hoàn thành và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.