Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung cấp điện.
Quang cảnh cuộc họp.
Thông tin với báo chí tại buổi họp báo thường kỳ ngày 19-6, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đảm bảo cung cấp điện là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương trong năm 2024, nên việc điều hành điện được đặt ra ngay từ đầu năm. Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung cấp điện.
Theo ông Nguyễn Thế Hữu, năm nay nhu cầu điện rất cao. Tính đến hết ngày 18-6, sản lượng tiêu thụ là 141,8 tỷ KWh, tương đương 45,6% so với kế hoạch. Cung ứng điện đảm bảo tốt, cơ bản năm nay sẽ không thiếu điện như năm ngoái.
Chia sẻ thêm về vấn đề cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Cung ứng điện trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phục hồi là sức ép lớn cho ngành điện, Bộ Công Thương. Chính vì thế, Bộ Công Thương đã chuẩn bị kỹ các kế hoạch đảm bảo cung ứng điện. Bộ Công Thương đã tính toán, rà soát về cơ bản năm nay không để thiếu điện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ đã tổ chức đoàn, tổ đi kiểm tra giám sát nguồn nguyên liệu từ nước, than, khí; sau đó kiểm tra quá trình vận hành, rút kinh nghiệm để điều hành.
"Ngay trong Cục Điều tiết Điện lực, chúng tôi yêu cầu phải lập tổ phản ứng nhanh, nếu có vấn đề gì thì phải phản ứng ngay để chuẩn bị đảm bảo cung ứng đủ điện. Đủ cơ sở trong thời gian từ nay đến cuối năm đủ điện", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc khả năng điều chỉnh giá điện trong cuối tháng 6, đầu tháng 7-2024, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Để điều chỉnh giá điện phải thực hiện theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng áp dụng từ ngày 15-5-2024. Theo quy định, giá điện sẽ có giảm, có tăng, nên "chúng ta đừng nghĩ giá điện trong tháng 6 và tháng 7 sẽ tăng".
Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích thêm, theo quy định, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành thì cần các cấp có thẩm quyền quyết định tăng giá điện như Bộ Công Thương, Thủ tướng quyết định. Thủ tướng chỉ đạo giá điện có tăng, có giảm. Còn tăng, giảm thế nào thì Quyết định 05/2024/QĐ0TTG có đầy đủ quy định.
"Cần đánh giá tác động kinh tế xã hội nên cần có cơ chế đánh giá việc tăng giảm giá điện. Bộ Công Thương đã có đoàn kiểm tra, rà soát để tính toán đảm bảo khoa học, khách quan có công thức tính toán cụ thể phương án giá điện. Chờ kết quả kiểm tra nói thời điểm nào phù hợp", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu.
Về chu kỳ điều hành giá, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, quy định 3 tháng một lần là điều chỉnh tăng; còn giảm là bất kỳ lúc nào theo Quyết định 05. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gần đây họp về ủy ban điều hành giá, chỉ đạo việc tăng giá hay điều chỉnh giảm giá có cơ sở, trong tháng 6 trình lại kết quả kiểm tra giá, lúc đó mới có cơ sở tác động cho việc điều chỉnh tăng hoặc giảm.