Người tiêu dùng điều chỉnh thói quen mua sắm:

Thách thức cho doanh nghiệp

08:39 - Thứ Ba, 25/06/2024 Lượt xem: 4024 In bài viết

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt xoay xở cắt giảm chi tiêu, đồng thời chuyển sang kênh mua sắm trực tuyến để có giá thấp hơn.

Đây là thách thức cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ thay đổi cách tiếp cận, khai thác hiệu quả hơn xu hướng tiêu dùng này.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm được giảm giá tại Trung tâm thương mại Tasco Mall (quận Long Biên). Ảnh: Hà Thư

Xoay xở cắt giảm chi tiêu

Thay vì ăn sáng ở ngoài, gần đây, chị Trịnh Thanh Trà (trú tại Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng) chọn cách nấu ăn tại nhà. “Điều này giúp giữ gìn sức khỏe các thành viên trong gia đình do lựa chọn thực phẩm tươi ngon, nguồn gốc rõ ràng, chế biến hợp khẩu vị, đồng thời giúp tôi tiết giảm khá nhiều chi phí”, chị Trịnh Thanh Trà chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu, hạn chế mua hàng hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay xở với ngân sách thu hẹp hơn.

Qua khảo sát, Giám đốc nghiên cứu Công ty NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, hiện xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn. Để tiết kiệm, người tiêu dùng sẽ mua sắm thường xuyên ở cửa hàng giảm giá và xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như một cách hiệu quả để giảm chi phí. “Ngay cả 40% người tiêu dùng không bị ảnh hưởng nhiều về kinh tế vẫn tiêu dùng cẩn trọng hơn trước”, bà Đặng Thúy Hà nói.

Theo kết quả khảo sát của NielsenIQ Việt Nam trong quý I-2024, có 62% người tiêu dùng Việt Nam nấu ăn tại nhà; 43% người tiêu dùng có ý thức tiết kiệm gas, điện; 41% người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho quần áo, làm đẹp và 31% người tiêu dùng hoãn các chi phí lớn… Bên cạnh đó, có 69% số người mua qua mạng để tìm kiếm ưu đãi; 47% số người chọn giá thấp nhất; đặc biệt có 20% người tiêu dùng dừng mua một vài mặt hàng nhất định… Các con số này đều tăng so với các quý trước.

Ở góc nhìn khác, Giám đốc khối kinh doanh Công ty Kantar Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho hay, người tiêu dùng giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh. Mức chi trung bình mỗi lần mua sắm tăng lên do có nhiều khuyến mại và miễn phí giao hàng. Đáng chú ý, người tiêu dùng ở nông thôn đang dần tăng mua sắm qua kênh trực tuyến (từ 3% năm 2017 lên 31% năm 2023). “Điều này có được là nhờ tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở nông thôn tăng 94%. Người dân ở nông thôn có nhiều thời gian lên mạng hơn người dân ở thành phố do đa phần làm việc tự do”, bà Nguyễn Phương Nga chỉ rõ.

Hiểu người tiêu dùng cần gì, muốn gì

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng mang tới nhiều thách thức, buộc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital Lê Hùng Cường nhận định, dù là mua sắm thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện tử..., việc theo kịp các xu hướng, hành vi người tiêu dùng và tiến bộ công nghệ là thách thức lớn đối với các thương hiệu bán lẻ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng mong muốn có trải nghiệm mua sắm độc đáo, cá nhân hóa cả trong cửa hàng vật lý và trực tuyến. Điển hình như TikTok đi tiên phong trong việc bán hàng qua video trực tiếp, cung cấp cho các nhà bán lẻ một con đường sáng tạo để kết nối với người tiêu dùng ở cấp độ sâu hơn. Các phân tích cho thấy, hơn 50% khách hàng sẵn sàng chia sẻ thông tin cho một ưu đãi được cá nhân hóa. Mặt khác, hơn 75% khách hàng có khả năng mua hàng từ các thương hiệu tiếp thị sản phẩm tới họ thông qua thông tin cá nhân và lịch sử tiêu dùng… Đây là các cơ sở cho việc phát triển siêu cá nhân hóa dựa trên dữ liệu.

Tuy nhiên, theo phân tích của FPT Digital, 7% doanh nghiệp bán lẻ chưa có chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số; 28% doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số; 36% đã có lộ trình chuyển đổi số nhưng chưa triển khai và 29% doanh nghiệp bán lẻ đang triển khai chuyển đổi số theo lộ trình đã vạch ra. “Các doanh nghiệp nói chung và ngành bán lẻ nói riêng cần có kế hoạch cụ thể, xác định lộ trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ mới”, ông Lê Hùng Cường chỉ rõ.

Cùng quan điểm này, Giám đốc nghiên cứu Công ty NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà khuyến nghị, thị trường, nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng thay đổi theo thời gian, doanh nghiệp cần theo dõi các xu hướng mới nhất để hiểu rõ người tiêu dùng muốn và cần gì. Tiêu biểu nhất là người tiêu dùng tập trung vào những nhu cầu thiết yếu và sản phẩm có giá trị thực sự hay ưu tiên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thay vì mua sắm dàn trải. Do đó, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin về thị trường và người tiêu dùng, lựa chọn phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời mở rộng kinh doanh đa nền tảng…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top