Thông tư số 12/2024/TT – BGTVT do bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành thay thế Thông tư 39/2023 của Bộ quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Tại Thông tư số 12/2024/TT – BGTVT quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định cụ thể cách tính giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo cho tàu thuyền.
Quy định mới thay thế Thông tư 39/2023 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch hoa tiêu và dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Cụ thể, căn cứ quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, chất lượng dịch vụ và tình hình thị trường, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển quyết định mức giá cụ thể thuộc khung giá đối với dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo thuộc khu vực hàng hải được phân cho từng đối tượng tàu thuyền, hàng hóa, hành khách hoạt động vận tải nội địa và tàu thuyền, hàng hoá, hành khách hoạt động vận tải quốc tế.
Trong quy định này cũng nêu rõ, tàu thuyền neo, buộc tại nhiều vị trí trong khu nước, vùng nước thuộc khu vực hàng hải của một cảng biển thì giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo được tính bằng tổng thời gian thực tế neo, buộc tại từng vị trí.
Trường hợp tàu thuyền không làm hàng được do thời tiết với thời gian trên 1 ngày (24 giờ liên tục) hoặc phải nhường cầu cho tàu thuyền khác theo lệnh điều động của Giám đốc cảng vụ hàng hải thì không tính giá dịch vụ cầu, bến, phao neo trong thời gian không làm hàng.
Ngoài ra, tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo. Trong đó, đối với tàu thuyền chở hàng lỏng, dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn.
Đối với tàu thuyền chở khách, dung tích toàn phần tính bằng 100% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.
Có thể thấy, so với Thông tư 39/2023, Thông tư mới không quy định cụ thể về khung giá dịch vụ hành khách thông qua cầu, bến, phao neo, cũng như về trường hợp các tàu thuyền không phải tàu chuyên dùng phục vụ dầu khí vào cảng dịch vụ dầu khí làm hàng.
Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư. Trường hợp các yếu tố hình thành giá thay đổi có thể làm cho giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu hoặc cao hơn mức giá tối đa theo quyết định của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm định phương án giá báo cáo Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá theo quy định.