Bài 2: Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả
ĐBP - Xác định công tác tuyên truyền đi đầu và thường xuyên, liên tục trong thực hiện kế hoạch giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chú trọng công tác này để nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng dân cư về ý nghĩa, mục đích của việc giao đất, giao rừng. Tuy nhiên một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn xem nhẹ công tác tuyên truyền, dẫn đến nhiều hộ dân, cộng đồng dân cư hiểu nhầm việc giao đất là mất đất sản xuất, do đó không đồng thuận giao đất, giao rừng.
Quá trình thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ, nhiều cộng đồng, hộ dân không phối hợp với cơ quan chức năng đo đạc, quy chủ, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp. Thậm chí nhiều thôn, bản không chấp nhận công bố quy hoạch 3 loại rừng, không nhận tiền dịch vụ môi trường rừng với lý do để lấy đất làm nương. Điển hình là các “điểm nóng” như: Bản Pá Mỳ 1, Huổi Lụ 2 (xã Pá Mỳ); bản Co Lót 1, Huổi Cọ (xã Mường Nhé); bản Cây Muỗm (xã Chung Chải) của huyện Mường Nhé.
Theo ông Lò Văn Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé, trong giai đoạn này huyện cần rà soát 31.597ha, gồm 12.416ha đất lâm nghiệp có rừng và 19.181ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Ban Chỉ đạo huyện đã ban hành 43 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Song còn nhiều cộng đồng, hộ dân không đồng ý thực hiện. Hiện nay, toàn huyện có hơn 510ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, nhưng người dân không đồng thuận giao; hơn 933ha diện tích thuộc đất ở, ruộng, đường giao thông… đề nghị đưa ra ngoài quy hoạch; gần 2.000ha diện tích đất tranh chấp, xâm canh.
Tại huyện Điện Biên, diện tích cần phải rà soát giao hơn 44.509ha, trong đó đất lâm nghiệp có rừng hơn 27.020ha và đất chưa có rừng hơn 17.488ha. Để người dân đồng thuận giao đất, giao rừng, huyện đã yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền xã tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân hiểu việc thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ để đảm bảo tính pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân về các chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, đối với diện tích đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng mà hiện trạng không có rừng (chưa đạt tiêu chí thành rừng) và người dân đang canh tác nương thì bà con vẫn được tiếp tục canh tác, sản xuất.
Mặc dù vậy, nhiều cộng đồng bản, hộ gia đình vẫn không đồng thuận. Do đó trong tổng số hơn 44.509ha thì có đến hơn 16.200ha người dân không đồng thuận đo đạc (chủ yếu đất chưa có rừng với hơn 11.423ha). Có xã, bản sau khi tuyên truyền người dân đã đồng thuận, nhưng khi đơn vị tư vấn vào đo đạc, quy chủ thì lại không phối hợp thực hiện. Điển hình như xã Na Ư, sau khi tổng hợp khối lượng đã thực hiện, cơ quan chức năng đã phối hợp với UBND xã triển khai họp thôn, bản lần 2 thông qua kết quả đo đạc thì hầu hết các thôn, bản đều không nhất trí phương án giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn xã (chỉ có một số hộ, cá nhân nhất trí với diện tích nhỏ lẻ). Đồng thời, người dân yêu cầu hủy kết quả rà soát, không ký các loại hồ sơ, số liệu...
Không chỉ huyện Mường Nhé, Điện Biên, tại huyện Tuần Giáo cũng có một số bản như: Thẩm Táng, Thẩm Mú (xã Pú Xi), bản Hua Sát (xã Mường Khong) không đồng ý với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng với lý do quy hoạch đất người dân đang canh tác nương rẫy vào quy hoạch 3 loại rừng. Một số hộ dân tại bản Hua Sa A (xã Tỏa Tình) không đồng thuận do quy hoạch chuyển từ đất có rừng trồng sản xuất sang quy hoạch rừng trồng phòng hộ. Còn trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có gần 650ha phải xây dựng phương án giao cho các xã, thị trấn quản lý do người dân không đồng thuận lập phương án. Tương tự, tại huyện Tủa Chùa, có nhiều hộ gia đình đã đồng ý đo đạc, hoàn thiện xong mảnh trích đo địa chính nhưng lại chưa đồng ý giao đất lâm nghiệp chưa có rừng, vì vậy phải dự kiến rà soát đưa ra khỏi quy hoạch hơn 5.494ha.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ tỉnh, nguyên nhân chủ yếu do người dân trên địa bàn tỉnh canh tác phụ thuộc vào nương nên còn gặp nhiều khó khăn trong giao đất, giao rừng đối với những diện tích đất nương luân canh bỏ hoang nay đã phát triển thành rừng. Đa số người dân chưa hiểu rõ và đầy đủ về quyền, nghĩa vụ theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Đất đai. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện giao đất, giao rừng chưa chặt chẽ làm phát sinh mâu thuẫn về đất đai giữa các cộng đồng giáp ranh. Còn xảy ra tình trạng cùng một diện tích giao nhưng trùng lặp về lô, khoảnh, tiểu khu. Đặc biệt, công tác tuyên truyền còn hạn chế, dẫn đến người dân chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó dẫn tới tâm lý lo sợ khi giao đất để sử dụng vào mục đích đất lâm nghiệp, phát triển rừng thì không được tiếp tục canh tác, sản xuất. Do vậy nhiều hộ dân chưa thực sự ủng hộ, đồng tình để cơ quan chức năng đo đạc, quy chủ.