Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát

16:27 - Thứ Tư, 07/08/2024 Lượt xem: 3438 In bài viết

ĐBP - Đến nay, cả nước có trên 670 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại gần 50 địa phương, với số lợn tiêu hủy khoảng 49.400 con. Dịch tập trung nhiều ở các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La. Điện Biên đã xuất hiện DTLCP với 560 con lợn phải tiêu hủy.

Cơ quan chức năng huyện Điện Biên tiến hành phun khử trùng, phòng chống dịch bệnh lây lan.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan ra diện rộng rất cao. Ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống DTLCP lây lan, bùng phát trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ ngày 20/4 - 1/8, DTLCP đã xảy ra tại 122 hộ ở 45 thôn, bản của 10 xã trên địa bàn huyện Điện Biên. Các xã: Thanh Luông, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh Yên, Thanh Nưa, Noong Luống, Thanh An, Noong Hẹt, Hua Thanh đều bùng phát dịch. Tính đến hết ngày 1/8, thống kê có 485 con lợn bị chết bởi DTLCP với trọng lượng 25.521kg. Dịch bệnh lây lan trên diện rộng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi. Trước thực tế đó, huyện Điện Biên đã thành lập Tổ phản ứng nhanh phòng, chống DTLCP trên địa bàn. Các thành viên Tổ phản ứng nhanh được phân công nhiệm vụ cụ thể và phối hợp với UBND các xã trực tiếp kiểm tra hướng dẫn, tuyên truyền công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng nuôi, các hộ chăn nuôi tại 85/122 ổ dịch; tiếp tục kiểm tra, theo dõi số lợn tại 37 ổ dịch còn lại.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Tháng 6/2024, huyện Điện Biên đã ban hành Quyết định 1415/QĐ-UBND thành lập Tổ phản ứng nhanh phòng, chống DTLCP gồm cán bộ có chuyên môn về thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Phân công mỗi cán bộ phụ trách ít nhất 1 xã. Khi phát hiện ổ dịch, các thành viên Tổ phản ứng nhanh cùng với hộ chăn nuôi có trách nhiệm khoanh vùng, theo dõi, xử lý và khử trùng chuồng trại, khu vực tiêu hủy gia súc bị bệnh. Sau khi tổ phản ứng nhanh đi vào hoạt động, kết quả thay đổi rất rõ ràng, nhiều ổ dịch bùng phát đã được xử lý dứt điểm không để lây lan ra diện rộng. Nhờ vậy, số thôn bản, số hộ có dịch mới trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể.

Người dân tiến hành cân khối lượng lợn chết trước khi tiêu hủy để báo cáo cơ quan chuyên môn.

Đến thời điểm này, một số xã trên địa bàn huyện Điện Biên như: Thanh Xương, Noong Luống, Noong Hẹt đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, tiêu hủy. Tuy nhiên, số lượng lợn trên địa bàn huyện lớn (khoảng 53.000 con) nên không thể chủ quan trong công tác phòng dịch. Trong khi đó, phương thức chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ và tâm lý chủ quan, lơ là, chưa thực sự chú trọng việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Công tác tiêm vắc xin phòng dịch chưa được các hộ chăn nuôi thực hiện đồng bộ; việc mua bán giống, vật tư chăn nuôi tự do, chưa quản lý chặt chẽ, mầm bệnh từ các ổ dịch cũ còn tồn tại trong chuồng nuôi… Đó là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tái bùng phát dịch tại các xã.

Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết dẫn đến nguy cơ cao bùng phát, lây lan rộng dịch trên địa bàn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã trên địa bàn củng cố 21/21 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Các thành viên Tổ phản ứng nhanh phòng, chống DTLCP thường xuyên kiểm tra hướng dẫn, tuyên truyền công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng nuôi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn các gia đình chăm sóc nuôi dưỡng, theo dõi số lợn còn lại tại chuồng, không tổ chức bán tháo, mổ ăn, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường. Khi lợn có biểu hiện ốm, chết thì báo ngay cho UBND xã, cơ quan chuyên môn để phối hợp xử lý theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, tình hình DTLCP toàn quốc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng diễn biến khá phức tạp. Trên địa bàn tỉnh, tính đến hết ngày 22/7, DTLCP đã xảy ra tại 164 hộ, 63 thôn, bản của 23 xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Mường Ảng và Điện Biên Đông); với số lợn tiêu hủy 561 con, tổng trọng lượng 29.651kg. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống DTLCP, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của DTLCP tới người dân. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng dịch bệnh và tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng DTLCP để người dân chủ động tiêm phòng cho đàn lợn theo hình thức xã hội hóa. Các biện pháp vệ sinh sát trùng khu vực chuồng nuôi và xung quanh, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, tuyệt đối không bán chạy lợn ốm, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường... được tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng.

Hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Điện Biên đào hố tiêu hủy lợn chết do mắc bệnh.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan trên địa bàn, các huyện đang có dịch, nhất là nhiều ổ dịch như huyện Điện Biên khẩn trương xem xét công bố dịch bệnh theo điều 26 của Luật Thú y; chỉ đạo, huy động nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch theo quy định, không để phát sinh ổ dịch mới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã rà soát, thống kê đàn lợn hiện có trên địa bàn và số lượng lợn thịt đã được tiêm vắc xin phòng DTLCP gửi về Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm soát giết mổ lợn trên địa bàn theo quy định, tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn nhập vào địa bàn nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định…

Công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật đặc biệt là lợn và sản phẩm từ lợn đã được cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm. Trong điều kiện, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bùng phát rất cao, ngoài sự quyết liệt của cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi và nhân dân cần chủ động áp dụng biện pháp vệ sinh chuồng trại, chủ động khai báo về tình trạng đàn vật nuôi, không bán lợn ốm, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường và cân nhắc khi tái đàn sau dịch...

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top