Sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu

15:30 - Thứ Hai, 19/08/2024 Lượt xem: 2569 In bài viết

Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu trồng ớt Sweet Palermo trong nhà lưới.

Trên địa bàn xã Đông Sang hiện có gần 1.200ha trồng các loại cây nông nghiệp, việc canh tác còn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; có gần 50ha bị ảnh hưởng của nắng hạn và ngập úng có thể bỏ hoang. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, xã Đông Sang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đưa sản xuất nông nghiệp phát triển thích ứng với sự biến đổi của khí hậu.

Bà Vì Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sang, cho biết: UBND xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, từ làm theo kinh nghiệm, phụ thuộc tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật; đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết bất lợi, sâu, bệnh hại vào sản xuất để phát triển chuỗi giá trị nông sản có giá trị gia tăng cao, an toàn với người tiêu dùng.

Nông dân xã Đông Sang đầu tư làm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tại bản Búa, trên diện tích sản xuất lúa khó khăn về nguồn nước nay đã chuyển đổi sang các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và thay thế bằng cây trồng chịu hạn tốt, như: Rau, dâu tây và hoa. Ông Hoàng Văn Án, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Búa, chia sẻ: Bản có 16ha đất sản xuất. Trước đây, nhân dân chủ yếu canh tác lúa 1 vụ, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nguồn nước cung cấp cho ruộng không đủ, lúa chậm sinh trưởng, năng suất không cao. Trước thực trạng đó, bản đã tuyên truyền, vận động nhân chuyển đổi 16ha trồng lúa 1 vụ sang trồng hoa, các loại rau và dâu tây, tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị cung ứng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; có nhiều hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng từ trồng rau và dâu tây.

Qua tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình anh Lò Duy Hải, bản Búa đã chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa 1 vụ sang trồng 3 vụ rau và 1 vụ dâu tây. Anh Hải chia sẻ: Thích ứng với biến đổi khí hậu, tôi đã rải bạt trữ nước, kết hợp đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để sử dụng nguồn nước hiệu quả; sử dụng màng phủ cho đất để hạn chế thoát hơi nước. Nhờ đó, diện tích rau và dâu tây phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nông dân bản Búa, xã Đông Sang chuyển đổi diện tích trồng lúa 1 vụ sang trồng rau màu 3 vụ.

Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện thời tiết, nông dân xã Đông Sang đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, toàn xã có 250 cơ sở sản xuất, hộ gia đình ứng dụng tưới tiết kiệm cho 180ha cây trồng; 98 cơ sở, hộ gia đình đầu tư làm 45ha nhà kính, nhà lưới; 3 cơ sở áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP với hơn 21ha rau và cây ăn quả.

Tìm hiểu, nghiên cứu và đưa giống cây mới về trồng, năm nay anh Nguyễn Ngọc Đảo, bản Áng, đã đưa giống ớt Sweet Palermo về trồng trên diện tích 1,2ha nhà lưới có hệ thống tưới tiết kiệm, màng phủ. Anh Đảo cho biết: Chúng tôi đầu tư nhà lưới giúp hạn chế côn trùng, mầm bệnh, thời tiết bất lợi gây hại cho cây ớt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu về hơn 1 tấn ớt, bán ra thị trường với giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Giá sản phẩm cao, thị trường ưa chuộng nên trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng giống ớt này.

Nông dân bản Búa, xã Đông Sang tích trữ nước phục vụ sản xuất.

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, việc thực hiện các giải pháp phù hợp, đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất là cách làm hiệu quả ở Đông Sang để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Huy Thành
Bình luận

Tin khác

Back To Top