Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Cần linh hoạt các giải pháp

10:12 - Thứ Năm, 17/10/2024 Lượt xem: 1787 In bài viết

Những năm qua, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày một tăng, nhất là đầu tư trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp số. Tuy nhiên, việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn, cần linh hoạt các giải pháp từ cơ chế, chính sách, nguồn vốn đến khoa học, công nghệ… để thu hút doanh nghiệp.

Thu hoạch rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco. Ảnh: Lệ Quyên

Dư địa còn lớn

Theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng của năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh thiên tai, tác động của kinh tế thế giới đối với nước ta khá lớn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão số 3 gây thiệt hại hơn 80.000 tỷ đồng, trong đó ngành Nông nghiệp chiếm khoảng 30%. Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo từ xử lý môi trường đến phòng, chống dịch bệnh cũng như tổ chức các hội nghị phục hồi sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, toàn ngành Nông nghiệp đẩy nhanh quá trình sản xuất để duy trì tăng trưởng, đạt mục tiêu đã đề ra. Đáng nói là, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, đầu tư lớn từ sản xuất đến chế biến, sản phẩm chất lượng cao, nên dù bị tác động bởi thiên tai, nhưng ngành vẫn duy trì được tăng trưởng…

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng nhanh, nhất là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, dịch vụ nông nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho hay, dư địa của ngành Nông nghiệp rất lớn, nếu doanh nghiệp có hướng đầu tư đúng sẽ khai thác được tiềm năng này. Hiện tại, các doanh nghiệp tập trung vào các mô hình sản xuất sạch, cung ứng sản phẩm chất lượng cao, nên doanh thu luôn tăng qua từng năm.

Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm thiên nhiên King Green (Vua Gạo) Nguyễn Đình Trọng cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, nhưng nếu đầu tư công nghệ, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng thì đây là ngành cho hiệu quả khá lớn. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách, quỹ đất, nguồn vốn, thương hiệu vẫn là những vấn đề doanh nghiệp cần Nhà nước quan tâm, hỗ trợ.

Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có sự gia tăng trong những năm qua, tuy nhiên, theo thống kê, cả nước hiện có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thì chỉ có hơn 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là con số khiêm tốn, cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành Nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hướng tới nông nghiệp số, nông nghiệp xanh

Theo các chuyên gia, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã và đang từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia và xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao trong những năm qua. Đây là lĩnh vực đang thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ để ngành Nông nghiệp bứt phá.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần có định hướng về lĩnh vực cũng như lợi thế của từng địa phương. Chẳng hạn, Hà Nội sẽ tạo hành lang pháp lý, nguồn lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xanh và nông nghiệp số. Đặc biệt, với Luật Thủ đô sửa đổi đã được thông qua và Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 22-8-2024), định hướng phát triển khu vực nông thôn của Hà Nội đã trở nên rõ nét.

Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng khẳng định, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu, yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hóa, hàng hóa xuất khẩu, hội nhập quốc tế giai đoạn tới. Để doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững. Cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt quy định phức tạp và tăng cường sự minh bạch trong quản lý. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ, cung cấp cho các doanh nghiệp tại địa phương các gói tài trợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu, nhằm giảm bớt rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện quy hoạch nông nghiệp thông minh, hướng tới thị trường mở. Điều đáng nói, với những chính sách, quy định mới về đất đai, đầu tư sẽ khắc phục những hạn chế vốn có để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ đang tổng hợp các kiến nghị từ doanh nghiệp và địa phương để báo cáo Chính phủ, tiếp tục có những giải pháp căn cơ cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top