Đưa thương mại du lịch Điện Biên “cất cánh”

14:25 - Thứ Hai, 21/10/2024 Lượt xem: 3512 In bài viết

ĐBP - Điện Biên không chỉ được biết đến là vùng đất lịch sử hào hùng mà còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái và văn hóa phong phú, đa dạng. Tăng cường kết nối, mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng, trong cả nước và quốc tế sẽ giúp Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại - du lịch. Đây được xem là “đòn bẩy” tạo sự bứt phá cho Điện Biên thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn.

Tiềm năng, lợi thế lớn

Với tổng diện tích tự nhiên trên 950.000ha, đứng thứ 9 toàn quốc, Điện Biên có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất cho sản xuất nông - lâm nghiệp với 736.000ha (chiếm 77% diện tích). Điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng là tiềm năng tốt để phát triển các vùng sản xuất nông lâm nghiệp chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Về phát triển du lịch, Điện Biên có lợi thế lớn với nhiều loại hình đa dạng: Lịch sử, văn hóa, sinh thái và cảnh quan. Nổi bật là Quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng với đó, hiện nay tỷ lệ đô thị hóa của Điện Biên thấp, trong khi mức sống dân cư không ngừng được cải thiện. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, phát triển mở rộng các đô thị, nhất là TP. Điện Biên Phủ và trung tâm các huyện, thị trên địa bàn.

Nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế, trong giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2030, tỉnh Điện Biên đã định hướng rõ phát triển kinh tế trọng tâm là tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, chuyên canh quy mô lớn; phát triển dịch vụ du lịch đồng bộ; mở rộng, phát triển đô thị TP. Điện Biên Phủ.

Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư uy tín như: Tập đoàn Sun Group, Vingroup, Hải Phát, Danco land, TNG, Flamingo... ký kết các thỏa thuận, đề xuất xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, khách sạn, sân golf với tỉnh Điện Biên để sớm triển khai trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Điện Biên vừa được tổ chức, các chuyên gia kinh tế cao cấp trung ương, học giả từ các viện nghiên cứu đánh giá: Trong công tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, Điện Biên còn khó khăn, vướng mắc về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, nguồn vốn... Hạn chế lớn nhất của tỉnh là hệ thống cơ sở vật chất và nguồn lực đầu tư.

Theo nhận định của ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): “Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển, hai nước Việt - Lào cần có sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước để cùng nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi giúp thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia”.

Tích cực mời gọi đầu tư

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án về lĩnh vực: Đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư đăng ký thực hiện hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 215 dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 50 nghìn tỷ đồng. Xếp hạng PCI năm 2023 của Điện Biên đứng thứ 31 toàn quốc (tăng 31 bậc so với năm 2022); xếp hạng cải cách hành chính đứng thứ 20 toàn quốc. Với kết quả đạt được và việc tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” đầu tư, Điện Biên sẽ “định vị” gần hơn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chia sẻ về xúc tiến đầu tư, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Điện Biên cam kết “đồng hành - gắn bó - chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp”. Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật để các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát, thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh phát triển bền vững. Với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, Điện Biên mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư và chắc chắn Điện Biên sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Điện Biên ưu tiên kêu gọi đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp (cụm công nghiệp Đông Tuần Giáo, cụm công nghiệp Na Hai, cụm công nghiệp hỗn hợp xã Ẳng Tở, cụm công nghiệp cửa khẩu A Pa Chải); thương mại dịch vụ (nâng cấp chợ Bản Phủ lên hạng I; chợ cửa khẩu Huổi Puốc; khu dịch vụ, thương mại cửa khẩu Tây Trang; nông nghiệp (chuỗi liên kết giá trị chè Tuyết Shan Tủa Chùa, liên kết phát triển sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ, chế biến sản phẩm lợn địa phương...); lĩnh vực du lịch (khu đô thị nghỉ dưỡng núi Tà Lèng, khu du lịch suối khoáng nóng Uva - hồ Hồng Sạt, khu đô thị - phố đi bộ sân bay Mường Thanh)…

Kết nối hướng tới tương lai

Tại Hội nghị, hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Điện Biên, nhiều chuyên gia kinh tế đã tọa đàm, đề xuất các giải pháp với Chính phủ và địa phương về các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, kêu gọi và định hướng cho tỉnh Điện Biên. Mục tiêu là sớm đưa Điện Biên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư khu vực miền núi phía Bắc, góp phần khẳng định hình ảnh, vị thế, khát vọng vươn lên của tỉnh trong giai đoạn tới.

Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là lựa chọn chính xác nhờ tác động tích cực của phát triển du lịch có thể mang lại đối với các ngành kinh tế chủ lực của Điện Biên. Cũng như góp phần quan trọng cho phát triển thương mại, phát triển xã hội, cộng đồng và cải thiện đời sống người dân. Thay vì đưa nông sản tới thị trường tiêu thụ thì phát triển du lịch sẽ mang thị trường tiêu thụ nông sản tới nơi sản xuất, thậm chí với giá bán cao hơn nhiều, góp phần xuất khẩu tại chỗ, tăng thu ngoại tệ từ khách quốc tế. Khách du lịch cũng sẽ trở thành những đại sứ, đại lý các sản phẩm nông nghiệp của Điện Biên một cách hết sức tự nguyện. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch cũng sẽ mang lại kinh nghiệm, kiến thức cho nhà sản xuất về thị trường tiêu thụ và các yêu cầu, đòi hỏi của thị trường”.

Được biết, ngay sau khi Hội nghị, hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Điện Biên được tổ chức, một số đơn vị, doanh nghiệp và sở, ngành của tỉnh Điện Biên đã có những hợp tác phát triển về thương mại du lịch. Điển hình là Sở Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ số A+ (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) triển khai “Nền tảng hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Hay Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên và Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ số A+ cũng thống nhất ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển nội dung số hóa trong lĩnh vực du lịch, cam kết hỗ trợ các đơn vị thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên xây dựng nền tảng số, số hoá các điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ số…

Với những tín hiệu đang lần lượt “bật sáng” trong hoạt động xúc tiến đầu tư, kỳ vọng Điện Biên sẽ sớm trở thành “điểm sáng” về thương mại du lịch.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top