Các dự án chỉnh trang đô thị khó về đích đúng hẹn

09:52 - Thứ Tư, 30/10/2024 Lượt xem: 2198 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đang triển khai 10 dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị phục vụ các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường, đến hết tháng 11/2024 các dự án phải hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án đang chậm tiến độ; quá trình thi công phát sinh vướng mắc cần phải điều chỉnh; một số dự án nhân lực, vật lực mỏng chưa đáp ứng yêu cầu nên triển khai ì ạch... Mặc dù chủ đầu tư, nhà thầu thi công cam kết hoàn thành đúng yêu cầu nhưng nhiều dự án khó về đích đúng hẹn.

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công dự án đường Trường Chinh.

Ngổn ngang công trình

UBND TP. Ðiện Biên Phủ được giao chủ đầu tư 10 dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị, gồm: Dự án đường Trần Can và Phan Ðình Giót; đường Nguyễn Hữu Thọ nối từ sân bay với khu vực trung tâm thành phố; đường Hoàng Công Chất kéo dài; đường từ ngã tư Cục Thuế tỉnh đi xã Tà Lèng; đường Hoàng Văn Thái; đường Trường Chinh; sơn vạch kẻ đường, lắp hệ thống an toàn giao thông và báo hiệu các tuyến đường nội thị; sửa chữa, chỉnh trang hệ thống đèn trang trí, chiếu sáng đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Võ Nguyên Giáp; đường 10,5m (nối cổng phụ Sân vận động đến đường Võ Nguyên Giáp); đường 27m và đường 13m.

Các dự án được kỳ vọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị TP. Ðiện Biên Phủ. Vì vậy, từ trước dịp kỷ niệm 7/5 đến nay, các dự án đã đồng loạt khởi công. Tuy nhiên, do thi công trong khu vực thành phố, các điều kiện bị hạn chế, như mật độ giao thông lớn, bãi đổ đất thải, các tuyến đường có dự án thi công chật hẹp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nhất là đối với những hộ kinh doanh, buôn bán.

Qua khảo sát, tại các tuyến đường có dự án đang thi công hầu hết cơ sở kinh doanh, nhất là kinh doanh mặt hàng ăn uống, nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng rất lớn, thậm chí phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài. Thu nhập của các cơ sở kinh doanh giảm mạnh, trong khi nhiều chủ cửa hàng phải thuê mặt bằng. Thu nhập giảm, thậm chí không có nguồn thu dẫn đến nhiều cửa hàng đang phải đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa, dừng hoạt động vì không có tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công lao động.

Vật liệu xây dựng tập kết dọc tuyến đường Trường Chinh.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông do quá trình thi công các dự án cũng ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch; đồng thời, để lại hình ảnh không đẹp đối với du khách khi đến tỉnh Ðiện Biên. Theo phản ánh của nhiều du khách, đến Ðiện Biên thời điểm này môi trường ô nhiễm do bụi bặm, giao thông đi lại khó khăn, nên họ không muốn ra đường đi tham quan, tìm hiểu về các di tích, lịch sử, văn hóa và con người Ðiện Biên. Từ đó, không chỉ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống, vui chơi, nghỉ dưỡng mà còn tác động lớn đến việc thu, nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Dự án đường Trần Can và Phan Ðình Giót khởi công từ cuối tháng 6/2024, tuy nhiên dự án đã ảnh hưởng đến môi trường và giao thông khiến nhiều người dân bức xúc. Anh Nguyễn Văn Hải, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ thường xuyên đi qua tuyến đường Trần Can cho biết: Chúng tôi ủng hộ việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường làm cho thành phố khang trang, sạch đẹp hơn nhưng cần đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt cần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tại các dự án (ngoại trừ 2 dự án sơn vạch kẻ đường và dự án hệ thống đèn chiếu sáng) quá trình thi công đều gây ảnh hưởng đến môi trường và đảm bảo an toàn giao thông. Nhiều hộ dân sống dọc các tuyến đường có dự án đang thi công phản ánh không dám mở cửa nhà; cơ sở kinh doanh vắng khách do bụi bặm. Ðất đá, vật liệu chất đống hai bên đường, trong khi mật độ giao thông lớn, nhất là đầu giờ sáng và lúc tan tầm, khiến việc tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn, gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, tại một số dự án, trong quá trình thi công nhà thầu đã tự căng dây cấm các phương tiện qua lại nhưng không thông báo trước, khiến nhiều người dân bức xúc.

Đơn vị thi công (Công ty cổ phần đường bộ 226 Điện Biên) căng dây cấm phương tiện qua lại trên tuyến đường Trần Can.

Anh Khúc Văn Chiến, chỉ huy trưởng công trình sửa chữa, chỉnh trang đường Trường Chinh (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6) cho biết: Ðể hạn chế ô nhiễm môi trường, sau mỗi ngày thi công, đơn vị đều cử 4 công nhân quét dọn vệ sinh, đồng thời, cứ 2 ngày dùng xe tưới nước chống bụi. Ðể đảm bảo an toàn giao thông, tại các hố ga đều có biển, đèn cảnh báo nguy hiểm; khu vực thi công bằng máy móc đều có công nhân đảm bảo không xảy ra mất an toàn lao động. Tuy nhiên, thi công trong khu vực thành phố, nhất là ở những tuyến đường chật, hẹp không tránh khỏi ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông.

Khó về đích đúng hẹn

Dự án đường Trần Can và đường Phan Ðình Giót với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài cả 2 tuyến hơn 1.614m, được khởi công từ tháng 6/2024; thời gian thực hiện hợp đồng 150 ngày. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thời tiết, nhân lực, vật lực và điều chỉnh dự án. Cụ thể, tại tuyến nhánh T1, đường Phan Ðình Giót điều chỉnh rãnh bê tông cốt thép, chiều dài 42m; tuyến nhánh T2 thay đổi giải pháp hướng thoát nước và bổ sung cống hộp chịu lực. Tại tuyến nhánh T1 đường Trần Can bổ sung cống hộp chịu lực… do hệ thống thoát nước kích thước (60x80) của dự án tại các vị trí đấu nối với các công trình thoát nước hiện trạng chưa phù hợp.

Theo đó, ngày 24/9, UBND thành phố đã trình Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh dự án. Ðến ngày 11/10, UBND tỉnh đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án. Ðồng thời, giao thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không vượt quá tổng mức đầu tư.

Công nhân Công ty cổ phần đường bộ 226 Điện Biên thi công hệ thống ngầm dự án đường Trần Can.

Anh Phạm Ngọc Hải, chỉ huy trưởng công trình đường Trần Can và đường Phan Ðình Giót (Công ty Cổ phần Ðường bộ 226) cho biết: Hiện nay, đơn vị đang thi công hạng mục thoát nước mặt, thoát nước thải, vỉa hè, nền, mặt đường, an toàn giao thông. Tuy nhiên, quá trình thi công, nhất là việc thi công hệ thống thoát nước, đơn vị đã gặp khó khăn do vướng hạ tầng ngầm (điện, nước, cáp quang). Ðến ngày 25/10, dự án mới đạt 48% khối lượng. Ðơn vị phấn đấu đến hết tháng 11 hoàn thành dự án.

Dự án cải tạo, sửa chữa đường Hoàng Công Chất kéo dài, với tổng chiều dài 1.060m (điểm đầu tại ngã ba giao nhau với đường số 4 Noong Bua và điểm cuối tại ngã tư gần Trường Cao đẳng Y tế Ðiện Biên); tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng. Ðây cũng là dự án duy nhất trong 10 dự án có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện nay, dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến mặt bằng và khó có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra đến 30/11. Hiện nay, khối lượng thực hiện mới đạt 35% giá trị hợp đồng.

Ông Phạm Ðức Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Hiện nay, dự án gặp khó khăn nhất về giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 700m2 tại tổ 10, phường Noong Bua do lịch sử để lại. Theo đó, năm 2011 thực hiện dự án đường Bệnh viện - Tà Lèng đã thực hiện giải phóng mặt bằng 6 hộ dân (trong đó có 5 hộ đã nhận tiền, 1 hộ chưa nhận tiền), tuy nhiên do công tác quản lý ranh giới chưa chặt chẽ nên từ 6 hộ dân, hiện nay đã phát triển thành 25 hộ dân. Bên cạnh đó, việc xác định ranh giới gặp khó khăn do trước đây bản đồ địa chính vẽ bằng tay, công tác lưu trữ còn hạn chế, dẫn đến hiện không xác định được ranh giới, phạm vi đã giải phóng mặt bằng. Ðể tháo gỡ khó khăn, cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại, nhưng người dân không đồng ý.

Người dân tưới nước chống bụi trên đường Trường Chinh.

Không chỉ vướng mắc liên quan đến điều chỉnh thiết kế dự án, vướng mặt bằng làm chậm tiến độ dự án, thực tế tại một số dự án nguyên nhân chậm do thiếu nhân lực, lao động. Qua khảo sát tại một số dự án, nhất là dự án đường Trần Can, Phan Ðình Giót; dự án đường Nguyễn Hữu Thọ; dự án đường Hoàng Công Chất kéo dài; dự án đường 27m và đường 13m lực lượng máy móc, công nhân lao động hạn chế. Ðiển hình, như dự án đường Trần Can và đường Phan Ðình Giót hiện nay mỗi tuyến có 2 tổ thi công (mỗi tổ 4 người). Do thiếu lao động, máy móc nên việc thi công dang dở, cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Tính đến ngày 25/10, tiến độ các dự án mới chỉ đạt từ 35% - 96% khối lượng (trong đó, có 3 dự án đạt dưới 50% khối lượng và 7 dự án trên 60% khối lượng). Ðể đẩy nhanh tiến độ, tỉnh yêu cầu UBND TP. Ðiện Biên Phủ chỉ đạo nhà thầu nghiêm túc thực hiện tạo hàng rào cảnh báo cho người dân, các công trình đang thi công phải có người hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người dân; đồng thời, chú trọng công tác đảm bảo môi trường. Song song với đó đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đảm bảo hoàn thành trong tháng 11/2024; tập trung phát hiện giám sát tiến độ thi công của các nhà thầu, nhất là vấn đề liên quan đến môi trường và giao thông.

Chủ đầu tư cam kết sẽ cơ bản hoàn thành các dự án trong tháng 11. Tuy nhiên, đối với một số dự án đường Hoàng Văn Thái; đường Hoàng Công Chất; đường Nguyễn Hữu Thọ; đường Trần Can, Phan Ðình Giót… tiến độ sẽ kéo dài hơn do vướng mắc về điều chỉnh dự án, mặt bằng, nhân lực. Vì vậy, việc hoàn thành các dự án đúng theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn nhiều khó khăn, nếu không có sự quyết tâm, nỗ lực cao của các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, quá trình thi công dự án, người dân mong muốn thi công đến đâu dứt điểm đến đó, tránh tình trạng đào xới tung lên rồi để đó, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống người dân.                             

Ngọc Huyền
Bình luận

Tin khác

Back To Top