Mai Sơn mở rộng diện tích trồng dâu tây

15:03 - Thứ Sáu, 01/11/2024 Lượt xem: 1828 In bài viết

Cây dâu tây đưa vào đồng đất huyện Mai Sơn trồng từ năm 2016, chủ yếu ở xã Cò Nòi. Với hiệu quả kinh tế mang lại, vụ dâu tây năm nay, bà con đã tăng lên gần 550 ha, mở rộng trồng đến nhiều xã trong huyện, hình thành vùng chuyên canh với sự tham gia của hàng trăm hộ dân và các hợp tác xã.

Vùng trồng dâu tây của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn niên vụ 2024-2025.

Những luống đất đã được làm xong, đang cùng các thành viên trong gia đình tập trung dải những tấm ni lông, lắp đường ống nước tưới lên trên mặt luống theo công nghệ kỹ thuật cao. Anh Lò Văn Toản, bản Lếch, xã Cò Nòi, cho biết: Đây là vụ thứ 3, gia đình trồng cây dâu tây. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, nên thời gian trồng muộn hơn các vụ trước. Hơn 2.000 mtrồng dâu tây, tôi đã đầu khoảng 50 triệu mua giống, vật tư, phân bón. Nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt nữa, giá bán ổn định như mọi năm, dự kiến vụ dâu năm nay đem lại thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng. 

Người dân bản Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn chú trọng bón lót trước khi trồng cây dâu tây.

Thời điểm này, đến bản Lếch, trên những quả đồi nối tiếp nhau, rất đông nông dân đang nhộn nhịp trồng cây dâu tây. Chị Lò Thị Thương, bản Lếch vừa nghỉ tay dải phân bón lót cho cây dâu nói: Năm nay, gia đình tôi trồng 5.000 m2 dâu tây. Tôi chọn giống dâu tây Hana của Nhật Bản, vì giống này phù hợp với đất, khí hậu, chịu được nước, kháng bệnh tốt lại cho năng suất cao hơn, chất lượng quả to, đỏ, mọng, ngọt ngon hơn, được khách hàng ưa thích. 

Vụ dâu tây năm ngoái, xã Cò Nòi trồng 360 ha cây dâu tây, sản lượng đạt gần 4.000 tấn, tập trung tại các bản, tiểu khu: Lếch, Tân Thảo, Bình Minh, Thống Nhất, Nong Quỳnh… Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho biết: Năm nay, diện tích trồng dâu tây toàn xã tăng 60 ha so với vụ trước, nâng tổng diện tích lên hơn 420 ha. Đến thời điểm này, nhân dân các bản đã trồng được trên 80% diện tích. Chúng tôi đang chỉ đạo các bản, tập trung xuống giống xong trước 15/11, đảm bảo khung thời vụ. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân tập trung chăm sóc những diện tích đã trồng, chuẩn bị đủ nước, vật tư, phân bón, chăm sóc cho cây phát triển tốt. Tuyệt đối tuân thủ chăm sóc theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, được thành lập từ năm 2017, gồm 18 thành viên, với 50 ha dâu tây. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX, cho biết: Toàn bộ diện tích dâu tây của HTX trồng theo tiêu chuẩn ViettGAP, sản lượng trung bình 1.000 tấn/năm, các sản phẩm dâu tây được tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu. Chúng tôi đã tuyên truyền, các thành viên HTX phân lô, trồng dải vụ, mỗi lứa cách nhau 15 ngày, đảm bảo khâu chăm sóc và kéo dài thời gian thu hoạch, tránh dồn sản phẩm cùng thời điểm. Hiện nay, HTX đã trồng trên 80% diện tích, đang phấn đấu đến 15/11 trồng xong.

Các hộ trồng áp dụng công nghệ tưới ẩm cho cây dâu tây.

Từ một mô hình trồng dâu tây ở bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, đến nay, cây dâu tây được người dân huyện Mai Sơn chú trọng đầu tư, nhiều hộ đã liên doanh, liên kết thành lập hợp tác xã từ khi trồng đến khi thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện có 10 HTX trồng cây dâu tây, trong đó xã Cò Nòi có 8 HTX trồng và tiêu thụ dâu tây.  

Cây dâu tây bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Để đảm bảo khung thời vụ cũng như thời gian sinh trưởng của cây dâu tây, nhân dân các xã trên địa bàn huyện Mai Sơn đang đẩy nhanh tiến độ trồng, chăm sóc để cây dâu tây phát triển tốt, ra hoa, đậu quả, đảm bảo năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cây trồng.

Người dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đang tập trung trồng cây dâu tây.

Định hướng phát triển cây dâu tây hiệu quả và bền vững, bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện tiếp tục phát triển vùng trồng cây dâu tây chuyên canh, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhất là quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã vùng trồng, tạo sản phẩm an toàn, là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm dâu tây Mai Sơn, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân trồng dâu tây trên địa bàn huyện được giao lưu, học hỏi, tìm hiểu, nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc; thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quả dâu tây.

Minh Tuấn
Bình luận

Tin khác

Back To Top