Rối ren thị trường cát xây dựng

16:49 - Thứ Hai, 04/11/2024 Lượt xem: 3508 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh liên tục leo thang đã tạo “cơn sốt” trên thị trường vật liệu xây dựng. Thời điểm hiện tại, giá cát tăng cao ở mức kỷ lục từ trước tới nay và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” đã khiến nhiều người có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa bức xúc. Trong khi đó, cát xây dựng mỗi nơi bán một giá càng làm cho thị trường cát thêm rối ren, khó lường.

Bài 1: Người xây nhà gặp khó vì giá cát tăng cao

Những công trình thi công dang dở, gặp lúc giá cát xây dựng tăng phi mã, đã đẩy người dân và cả doanh nghiệp vào thế… khóc dở mếu dở, tiến thoái lưỡng nan.

Ngôi nhà của ông Đỗ Tuấn Vũ, thôn Trần Phú, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên đang xây dựng với giá cát 550.000 đồng/mét khối.

“Méo mặt” vì xây nhà

Thời gian qua, người dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên liên tục phản ánh, ca thán về giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là sự “leo thang” chóng mặt của giá cát, khiến việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình đang triển khai xây dựng nhà cửa phải cân đối, tính toán lại. Thậm chí, một số gia đình hạn chế về điều kiện kinh tế phải thay đổi kế hoạch dựng nhà, đứng trước nguy cơ gián đoạn hoặc tạm dừng, do kinh phí vượt nhiều lần so với dự toán ban đầu.

Lập kế hoạch xây nhà từ giữa năm 2023, song đến tháng 6/2024 gia đình ông Trần Văn Khu, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ mới chính thức khởi công. Ông Khu cho biết theo dự tính ban đầu, ngôi nhà hoàn thiện sẽ cần khoảng 150m3 cát, với giá khảo sát thời điểm đó là 200 nghìn đồng/mét khối. Trên cơ sở này, ông đã có tính toán, cân đối và chuẩn bị đảm bảo về kinh phí để sẵn sàng dựng nhà.

“Tháng 6 khi bắt đầu thi công, cát chở về tận chân công trình tăng nhẹ lên 250 nghìn đồng/mét khối. Thế nhưng đến cuối tháng 10 vừa qua đơn vị bán đã báo giá là 500 nghìn đồng/mét khối. Ngay đầu tháng 11 này tôi lấy 4 xe (tổng 28m3) lại là 520 nghìn đồng/mét khối. Thấy giá tăng nhanh quá tôi có thắc mắc, thì người bán trả lời là cát mua tại bãi giờ đã 400 nghìn đồng/mét khối rồi. May mà nhà tôi đang vào giai đoạn hoàn thiện, từ nay đến khi xong dự tính còn cần khoảng 20m3 nữa nên vẫn cố gắng xoay xở, chứ nếu không thì hết sức khó khăn” - ông Khu than thở.

Giá cát tăng phi mã khiến nhiều gia đình đang xây nhà gặp khó khăn.

Kế bên công trình nhà ông Khu là ngôi nhà của gia đình chị gái ông - bà Trần Thị Thuận, cũng vừa hoàn thiện phần móng. Gia đình đã ký hợp đồng với đơn vị thi công song bà Thuận vẫn không khỏi lo lắng, đứng ngồi không yên trước “cơn sốt” giá cát thời gian qua. “Qua vài ngày lại nghe giá cát một khác. Giờ tăng lên gấp đôi so với đầu năm rồi, mà chưa biết tới đây có tiếp tục tăng nữa không vì chưa thấy có dấu hiệu dừng. Cứ theo đà này thì người làm nhà như chúng tôi sẽ rất khó khăn” - bà Thuận bày tỏ.

Éo le hơn là tình cảnh gia đình anh Lò Mạnh Quân, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên). Kinh tế khó khăn, sau nhiều năm đi làm thuê, vợ chồng anh mới tích cóp được một khoản nhỏ, cộng với tiền vay mượn từ người thân để quyết định dựng ngôi nhà cấp 4, làm nơi che mưa che nắng. Thế nhưng, công trình thi công cũng là thời điểm giá cát liên tục biến động, khiến đôi vợ chồng trẻ chỉ biết than trời.

“Khi làm nhà, tôi tính toán giá cát tầm 200 - 250 nghìn đồng/mét khối, giờ tăng gấp đôi, nên phát sinh kinh phí quá lớn, không thể theo kịp. Hiện nay nhà đã xây dựng cơ bản xong phần tường, chưa đổ mái, nhưng với tình hình này thì nguy cơ tôi phải tạm dừng thi công, chờ thời gian nữa xem cát có giảm giá không mới tính tiếp được” -  anh Quân cho biết.

Doanh nghiệp cũng lao đao

Nhờ đã ký hợp đồng hầu hết các hạng mục từ lúc bắt đầu khởi công xây nhà nên nhiều gia đình may mắn khi không bị tác động bởi giá cát thời gian qua. Song đây lại là “cú đánh chí mạng” khiến nhiều nhà thầu, doanh nghiệp lao đao khi đã ký kết hợp đồng theo đơn giá vật liệu xây dựng thời điểm đó. Giá cát tăng kéo theo giá vật liệu liên quan đến cát, như: Bê tông tươi, ống bi, cọc… tăng theo. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhất là những doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Không ít nhà thầu rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi tiếp tục thi công thì đối diện tình cảnh thua lỗ mà nếu không làm lại bị chậm tiến độ.

Đối với hợp đồng trọn gói, đơn giá đều cố định, khi thị trường nguyên vật liệu biến động, nhất là gia tăng như giá cát thời gian này thì doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thua lỗ. Ngay cả với hợp đồng được điều chỉnh giá thì cũng khó đảm bảo. Bởi khi thanh toán, chủ đầu tư chỉ căn cứ vào thông báo giá cùng thời điểm của đơn vị chức năng, việc điều chỉnh cũng dựa trên khảo sát, xem xét quyết định của những cơ quan này.

Không chỉ người dân, hiện nay một số doanh nghiệp cũng gặp khó và chỉ hoạt động cầm chừng khi giá cát liên tục tăng.

Chia sẻ về những khó khăn này, một doanh nghiệp cho hay: Cơ bản các công trình mà đơn vị thi công được áp dụng mức giá nguyên liệu cát từ 200 - 300 nghìn đồng/mét khối. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay doanh nghiệp đang phải mua cát với giá thấp nhất là 400 nghìn đồng/mét khối; thậm chí cát trát (xoa) gần 700 nghìn đồng/mét khối. Sự gia tăng đột biến khiến một số công trình bị ảnh hưởng, gián đoạn, buộc doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng.

“Đồng nghĩa với đó là chúng tôi phải chịu áp lực về tiến độ, đối diện nguy cơ không thể hoàn thành theo kế hoạch đặt ra. Nhưng nếu tiếp tục nhập nguyên liệu và làm thì chắc chắn thua lỗ, vì không thể quyết toán được khoản tiền phát sinh do tình trạng tăng giá này. Có thể một số đơn vị vẫn cầm cự được, thế nhưng cũng chỉ thực hiện ở công trình nhỏ, số lượng ít và trong thời gian ngắn, chứ về lâu dài thì không thể được” - doanh nghiệp này cho biết.

Thực tế trên khiến không ít người đặt câu hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến “cơn sốt” giá cát thời gian qua? Và cần phải có giải pháp gì để tránh được những hệ lụy về lâu dài cho cả người dân và doanh nghiệp? 

Bài 2: Bất nhất giá công bố và giá thị trường

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top