Thời điểm này, nhiều hộ dân trồng rau tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang tích cực bám đồng, xuống giống, chăm sóc rau vụ đông để kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán.
Mô hình trồng cà chua công nghệ cao của HTX rau an toàn An Tâm, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.
Không khí lao động, sản xuất trên những vườn rau an toàn của HTX rau an toàn An Tâm ở bản An Thái, xã Mường Sang, những ngày này, thật khẩn trương và sôi động, bởi đây là thời điểm thành viên HTX tập trung chuẩn bị nguồn rau phục vụ thị trường dịp cuối năm. HTX có 18 thành viên, sản xuất 10 ha rau, trong đó có 8 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên.
Chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc HTX, cho biết: So với thường ngày, nhu cầu rau xanh vào dịp Tết thường tăng cao gấp đôi, khách hàng ưa chuộng một số loại rau, như: Súp lơ, cải bắp, cải cúc, xu hào, hành lá, rau gia vị, cà chua, khoai tây... là các loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến, ngon miệng, vì vậy khi bắt đầu vào vụ rau Tết, HTX tập trung trồng các loại rau trên. Các sản phẩm rau của HTX không chỉ có mặt ở nội tỉnh mà đã đưa vào hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, thành viên HTX rau an toàn An Tâm, tập trung sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục đã được xử lý vi sinh và sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Anh Sơn chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi trồng gần 1 ha su hào, súp lơ, các loại rau cải và rau gia vị. Dự báo dịp cuối năm, giá rau xanh sẽ tăng cao nên gia đình tích cực chăm sóc, bảo đảm năng suất, chất lượng cung cấp cho thị trường và mang lại lợi nhuận cao hơn.
Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới của HTX rau an toàn An Tâm, xã Mường Sang.
Là vùng sản xuất rau lớn của huyện Mộc Châu, xã Mường Sang hiện có 120 ha rau màu, tập trung ở các bản: An Thái, Là Ngà 2, Bãi Sậy, Nà Bó 2. Xác định vụ đông là một trong những vụ sản xuất chính nên ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo các bản, các vùng trồng rau tập trung lựa chọn các loại rau có thị trường đầu ra tốt để sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Bùi Trung Lực, Chủ tịch UBND xã Mường Sang, thông tin: Hướng đến vụ rau phục vụ thị trường Tết hiệu quả, xã thường xuyên phối hợp các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và hướng dẫn nông dân trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, điều tra, theo dõi sự phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại rau; hướng dẫn nông dân ưu tiên sử dụng các biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi thật sự cần thiết và phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.
Nông dân bản An Thái, xã Mường Sang, chăm sóc rau xanh.
Tránh tình trạng dư thừa nông sản trong dịp Tết, xã Mường Sang chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân nắm bắt thông tin xây dựng kế hoạch sản xuất rau linh hoạt, phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm rau màu theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Những ruộng rau xanh mướt trên cánh đồng ở xã Mường Sang báo hiệu một mùa bội thu, giúp người trồng rau có thêm một cái Tết đủ đầy, sung túc. Tuy nhiên, người trồng rau vẫn cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời xử lý khi có diễn biến bất lợi, đảm bảo năng suất và chất lượng rau, mang lại một mùa xuân trọn niềm vui.